Add parallel Print Page Options

Thượng Đế phán qua Con Ngài

Xưa kia Thượng Đế dùng các nhà tiên tri phán dạy tổ tiên chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Nhưng trong những ngày cuối cùng nầy Ngài phán cùng chúng ta qua Con Ngài là Con mà Ngài đã chọn để làm chủ tể mọi loài. Ngài cũng đã tạo dựng toàn thế gian qua Con ấy. Con tượng trưng cho vinh hiển của Thượng Đế và là hình ảnh trung thực của bản chất Ngài. Nhờ lời đầy quyền năng Ngài, các vật được kết hiệp lại bền vững. Khi Con tẩy sạch tội lỗi loài người thì trở về ngồi bên phải [a] Thượng Đế, Đấng Cao cả trên thiên đàng. Con được tôn trọng hơn các thiên sứ vì Thượng Đế cho Con một danh trổi hơn danh các thiên sứ.

Vì Thượng Đế chưa hề phán với thiên sứ nào rằng,

“Ngươi là Con ta.
    Ngày nay ta đã sinh ngươi.” (A)

Ngài cũng không bảo với thiên sứ nào,

“Ta sẽ sinh con ra,
    còn ngươi sẽ làm Con ta.” (B)

Còn khi đưa Con đầu lòng vào thế gian thì Ngài phán,

“Các thiên sứ của Thượng Đế phải thờ lạy Con.” [b]

Đây là lời Thượng Đế phán về các thiên sứ:

“Thượng Đế khiến các thiên sứ giống như gió [c].
    Ngài làm cho các tôi tớ Ngài như ngọn lửa.” (C)

Còn về Con Ngài thì Thượng Đế phán:

“Lạy Thượng Đế, ngôi Ngài vững bền đời đời.
    Ngài sẽ lấy sự công chính cai trị nước của Ngài.
Chúa thích điều thiện, ghét điều ác,
    cho nên Thượng Đế đã chọn ngươi
    từ giữa các bạn hữu ngươi;
Ngài ban cho ngươi sự vui mừng
    lớn hơn tất cả các bạn hữu ngươi.” (D)

10 Thượng Đế cũng phán,

“Lạy Chúa, từ ban đầu Ngài dựng nên trái đất
    tay Ngài tạo ra các bầu trời.
11 Chúng sẽ bị tiêu diệt,
    nhưng Ngài sẽ còn đời đời.
Chúng sẽ cũ mòn như áo,
12 Ngài sẽ cuốn chúng lại như cái áo,
    và thay chúng như thay áo.
Nhưng Chúa không thay đổi,
    các năm tháng Ngài không bao giờ chấm dứt.” (E)

13 Thượng Đế cũng chưa bao giờ bảo với thiên sứ nào:

“Hãy ngồi bên phải ta,
    cho đến khi ta đặt kẻ thù con
    dưới quyền cai trị của con. [d](F)

14 Các thiên sứ là thần linh hầu việc Thượng Đế được sai đến để giúp những kẻ sẽ nhận được sự cứu rỗi.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 1:3 bên phải Chỗ ngồi danh dự và quyền hành.
  2. Hê-bơ-rơ 1:6 “Các thiên sứ … Con.” Câu nầy được chép ở Phục 32:43 trong bản Bảy Mươi (LXX), tức bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hi-lạp, và cũng có ghi trong một bản Hê-bơ-rơ trong số Các Cuộn Sách tìm được ở Biển Chết.
  3. Hê-bơ-rơ 1:7 gió Đây cũng có nghĩa là “thần linh.”
  4. Hê-bơ-rơ 1:13 dưới quyền cai trị của con Nguyên văn, “cho đến khi ta đặt kẻ thù làm bệ chân cho con.”

Ðức Chúa Trời Phán qua Con Ngài

Thời xưa Ðức Chúa Trời đã phán với các tổ phụ chúng ta qua các vị tiên tri nhiều lần và nhiều cách, nhưng trong những ngày cuối cùng này Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài, Ðấng Ngài lập làm Người Thừa Kế của mọi sự, và cũng qua Ðấng ấy Ngài dựng nên vũ trụ. Ðức Chúa Con là phản ánh của vinh quang Ðức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Con duy trì muôn vật bằng lời quyền năng của Ngài. Sau khi tẩy trừ tội lỗi, Ngài ngồi bên phải Ðấng Tối Cao trong nơi chí cao.

Ðức Chúa Con Cao Trọng Hơn Các Thiên Sứ

Ðức Chúa Con đã trở nên cao trọng vượt xa các thiên sứ, như danh Ngài thừa hưởng cũng cao trọng vượt xa các thiên sứ. Vì có bao giờ Ðức Chúa Trời phán với một thiên sứ nào rằng,

“Con là Con Ta,
Ngày nay Ta đã sinh Con”Thi 2:7

Và lại phán,

“Ta sẽ làm Cha Người,
Và Người sẽ làm Con Ta”2Sa 7:14; Thi 89:2

chăng?

Nhưng khi đưa Con Ðầu Lòng của Ngài vào trần gian, Ngài phán,

“Mọi thiên sứ của Ðức Chúa Trời phải thờ phượng Con.”Thi 97:7; Phục 32:43 LXX

Còn đối với các thiên sứ, Ngài phán,

“Ngài làm cho các thiên sứ của Ngài như những luồng gió,
Và các tôi tớ của Ngài như một ngọn lửa.”Thi 104:4 LXX

Nhưng về Ðức Chúa Con, Ngài phán,

“Lạy Ðức Chúa Trời, nguyện ngôi Người còn đến đời đời vô cùng.
Nguyện vương trượng công lý là vương trượng của vương quốc Người.
Vì Người yêu công chính và ghét gian tà,
Nên Ðức Chúa Trời, Thần[a] của Người, đã xức dầu cho Người bằng dầu vui mừng, để lập Người trên các đồng bạn của Người.”Thi 45:6-7

10 Và rằng,

“Lạy Chúa, từ thuở ban đầu Ngài đã lập nền trái đất;
Các từng trời là công việc của tay Ngài.
11 Dù trời đất sẽ tiêu tan, nhưng Ngài vẫn còn nguyên;
Dù chúng cũ mòn như chiếc áo,
12 Và Ngài sẽ cuộn chúng lại như cuộn một chiếc áo;
Giống như y phục, chúng sẽ bị thay đổi,
Nhưng Ngài vẫn y nguyên;
Các năm của Ngài sẽ không hề chấm dứt.”Thi 102:25-27 LXX

13 Ðức Chúa Trời có bao giờ phán với một thiên sứ nào rằng,

“Hãy ngồi xuống bên phải Ta,
Cho đến chừng Ta đặt những kẻ thù của Con làm bệ chân Con”Thi 110:1

chăng?

14 Chẳng phải tất cả các thiên sứ là những thần được phái đi để phục vụ những người sẽ thừa hưởng ơn cứu rỗi sao?

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 1:9 ctd: Ðức Chúa Trời

Sự cứu rỗi của chúng ta thật lớn lao

Cho nên chúng ta càng nên thận trọng giữ theo những điều đã được dạy bảo để khỏi bị trôi lạc khỏi chân lý. Sự dạy dỗ Thượng Đế phán qua các thiên sứ đã chứng tỏ là đúng, người nào không vâng theo đều chịu trừng phạt xứng đáng. Vì thế chúng ta cũng sẽ bị trừng phạt nếu chúng ta xem thường sự cứu rỗi lớn lao ấy. Chính Chúa đã cho chúng ta biết sự cứu rỗi nầy và những ai nghe Ngài đều chứng tỏ sự cứu rỗi ấy là chân thật. Thượng Đế cũng đã minh chứng điều đó bằng nhiều dấu kỳ, phép lạ cùng ân tứ qua Thánh Linh theo ý muốn Ngài.

Chúa Cứu Thế trở thành người

Thượng Đế không chọn thiên sứ để quản trị thế giới mới sắp đến mà chúng ta đã nói. Như Thánh Kinh có chỗ viết,

“Tại sao Ngài xem loài người là quan trọng?
Tại sao Ngài lo cho con người?
Ngài làm cho con người hơi thấp hơn các thiên sứ một ít
    đội cho người mão triều vinh hiển và tôn trọng.
Ngài đặt mọi vật dưới quyền quản trị [a] của con người.” (A)

Khi Thượng Đế đã đặt mọi vật dưới quyền quản trị của con người thì không có gì mà con người không quản trị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy con người quản trị mọi loài. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giê-xu là Đấng đã được đặt thấp hơn các thiên sứ một chút trong một thời gian ngắn. Nay Ngài đang đội mão triều vinh hiển và tôn trọng vì Ngài đã chịu khổ và chết. Do ân phúc Thượng Đế, Ngài chết thay cho mọi người.

10 Thượng Đế là Đấng tạo dựng muôn loài và muôn loài được sáng tạo để làm vinh hiển Ngài. Ngài muốn nhiều con cái cùng san sẻ vinh hiển với mình, nên Ngài tạo ra Đấng đưa dắt các con cái đó đến sự cứu rỗi hoàn toàn bằng cách để cho Đấng ấy phải chịu khổ hình.

11 Chúa Giê-xu, Đấng thánh hóa con người, cùng những ai đã được thánh hóa đều thuộc chung một gia đình. Cho nên Ngài không xấu hổ mà gọi họ là anh chị em. 12 Ngài phán,

“Rồi tôi sẽ thuật về Ngài
    cho các anh chị em Ít-ra-en tôi;
Tôi sẽ ca ngợi Ngài
    giữa buổi họp công cộng.” (B)

13 Ngài cũng phán,

“Tôi sẽ tin cậy Thượng Đế.” (C)

và Ngài phán thêm,

“Tôi đang hiện diện đây,
    cùng với các con cái
    mà Thượng Đế đã ban cho tôi.” (D)

14 Vì con cái là người có thân thể nên Chúa Giê-xu đã trở nên giống như con cái. Như thế để nhờ sự chết Ngài, Chúa Giê-xu có thể tiêu diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ 15 và giải thoát những kẻ suốt đời làm tôi mọi vì sợ chết. 16 Hiển nhiên Ngài không làm điều đó cho các thiên sứ mà cho con cháu Áp-ra-ham. 17 Vì thế mà Ngài phải trở nên giống như anh em Ngài trong mọi phương diện để Ngài có thể làm thầy tế lễ tối cao trung tín và nhân ái trong khi phục vụ Thượng Đế, nhờ đó có thể xóa tội con người. 18 Vì chính Ngài đã chịu khổ và bị cám dỗ cho nên có thể giúp người bị cám dỗ.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 2:8 quyền quản trị Nguyên văn, “dưới chân.”

Ơn Cứu Rỗi Lớn Lao

Vì vậy chúng ta cần phải chú ý kỹ càng về những gì chúng ta đã nghe, kẻo chúng ta bị trôi giạt mất chăng. Vì nếu sứ điệp do các thiên sứ rao truyền chắc chắn phải xảy ra, và mọi vi phạm và sự bất tuân đã nhận lấy hình phạt đích đáng, thì làm thế nào chúng ta có thể tránh khỏi hình phạt khi chúng ta thờ ơ với ơn cứu rỗi cực kỳ quan trọng dường ấy? Ơn cứu rỗi ấy đã được Chúa công bố trước tiên, và đã được xác nhận cho chúng ta bằng những người nghe. Ðức Chúa Trời còn chứng thực cho ơn cứu rỗi ấy bằng những dấu kỳ, những phép lạ, những việc quyền năng, và những ân tứ Ðức Thánh Linh theo thánh ý Ngài.

Ðức Chúa Jesus Hạ Mình Ðể Cứu Chúng Ta

Vì Ngài không đặt thế giới sẽ đến, mà chúng ta đang nói đây, dưới quyền các thiên sứ. Nhưng có người đã làm chứng ở đâu đó rằng,

“Con người là gì mà Ngài nhớ đến nó?
Con của loài người là chi mà Ngài quan tâm đến nó?
Ngài đã làm cho Người thấp hơn các thiên sứ một ít;
Ngài đội cho Người vinh hiển và tôn trọng.[a]
Ngài khiến muôn vật phục dưới chân Người.”Thi 8:4-6 LXX

Khi bắt muôn vật phục dưới Người, Ngài không chừa một vật nào không phục dưới Người, mặc dù hiện nay, chúng ta chưa thấy mọi vật đều phục dưới Người. Ngược lại chúng ta thấy Ðức Chúa Jesus đã bị làm thấp hơn các thiên sứ một ít, nay được đội mão miện chiến thắng với vinh hiển và tôn trọng vì Ngài đã chịu đau đớn của sự chết, để bởi ân sủng của Ðức Chúa Trời, Ngài có thể nếm trải sự chết vì mọi người.

10 Thật là phù hợp khi Ðức Chúa Trời, Ðấng dựng nên muôn vật và muôn vật hiện hữu vì Ngài, vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh hiển đã làm cho Ðấng Dẫn Ðầu họ vào hưởng ơn cứu rỗi trở nên hoàn toàn khi trải qua sự đau đớn. 11 Vì Ðấng thánh hóa và những người được thánh hóa đều là con của một Cha;[b] vì lẽ đó Ngài không thẹn gọi họ là các em,[c] 12 như có chép rằng,

“Con sẽ rao truyền danh Chúa cho các em[d] con;
Con sẽ ca tụng Ngài ở giữa hội chúng.”[e]

13 Và rằng,

“Ta sẽ để lòng tin cậy nơi Ngài.”Ê-sai 8:17 LXX

Lại nữa,

“Này, Ta với các con cái Ðức Chúa Trời đã ban cho Ta.”Ê-sai 8:18

14 Thế thì vì các con đều cùng chung một huyết nhục, nên Ngài cũng mang cùng một huyết nhục giống như họ, để qua sự chết của chính mình, Ngài có thể hủy diệt kẻ cầm quyền của sự chết là Ác Quỷ, 15 và giải thoát những người vì sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. 16 Vì rõ ràng rằng không phải Ngài đến để giúp đỡ các thiên sứ, nhưng để giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham.

17 Vì vậy Ngài phải trở nên giống như các em[f] mình trong mọi phương diện, để có thể trở thành một vị Thượng Tế thương xót và thành tín trong sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, hầu chuộc tội cho dân. 18 Vì chính Ngài đã bị cám dỗ trong khi chịu đau đớn, nên Ngài có thể giúp đỡ những người đang bị cám dỗ.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 2:7 Ở cuối câu 7, một số bản cổ ghi thêm: "Và lập Người lên trên mọi việc của tay Ngài."
  2. Hê-bơ-rơ 2:11 nt: con của một Ðấng
  3. Hê-bơ-rơ 2:11 nt: anh em
  4. Hê-bơ-rơ 2:12 nt: anh em
  5. Hê-bơ-rơ 2:12 Thi 22:22
  6. Hê-bơ-rơ 2:17 nt: anh em

Chúa Giê-xu cao trọng hơn Mô-se

Cho nên thưa các anh chị em thánh là người được Thượng Đế kêu gọi, hãy nhớ tới Chúa Giê-xu, Đấng được sai đến với chúng ta và làm thầy tế lễ tối cao cho đức tin của chúng ta. Chúa Giê-xu trung tín với Thượng Đế là Đấng chọn Ngài làm thầy tế lễ tối cao như Mô-se trung tín trong gia đình Thượng Đế. Chúa Giê-xu cao trọng hơn Mô-se, cũng như thợ xây nhà cao trọng hơn cái nhà. Bất cứ nhà nào cũng phải có thợ xây, nhưng thợ tạo nên mọi loài là Thượng Đế. Mô-se trung tín trong gia đình Thượng Đế như một tôi tớ. Ông thuật lại lời Thượng Đế sẽ phán trong tương lai. Nhưng Chúa Cứu Thế trung tín như con trung tín trong nhà cha mình. Chúng ta là nhà của Thượng Đế nếu chúng ta giữ lòng can đảm và nắm chắc vào hi vọng lớn lao của chúng ta.

Chúng ta phải tiếp tục theo Chúa

Cho nên như Thánh Linh phán:

“Ngày nay khi nghe tiếng Ngài phán,
thì đừng ương ngạnh như tổ tiên các ngươi xưa kia
    khi họ phản nghịch Thượng Đế
    và thách thức Ngài trong sa mạc.
Nơi đó họ thử ta và thách thức ta
    mặc dù đã thấy những điều ta làm trong bốn mươi năm.
10 Ta nổi giận cùng họ.
Ta bảo, ‘Ý tưởng chúng nó luôn luôn lầm lạc
    chúng không hề hiểu biết đường lối ta.’
11 Ta nổi giận và cam kết rằng,
‘Chúng nó sẽ không bao giờ
    được vào sự an nghỉ [a] ta.’” (A)

12 Cho nên thưa anh chị em, hãy thận trọng đừng ai có lòng độc ác, chẳng tin, quay khỏi Thượng Đế hằng sống. 13 Nhưng hằng ngày hãy khích lệ giục giã nhau trong khi còn gọi là “ngày nay.” [b] Hãy giúp nhau để không ai trong anh chị em cứng lòng vì bị tội lỗi phỉnh gạt. 14 Chúng ta cùng dự phần trong Chúa Cứu Thế nếu chúng ta bền giữ cho đến cuối cùng đức tin mà chúng ta có từ ban đầu. 15 Đây là lời Thánh Kinh dạy:

“Ngày nay khi nghe lời Ngài phán
    thì đừng ương ngạnh như xưa kia
    khi các ngươi chống nghịch Thượng Đế.” (B)

16 Ai nghe tiếng phán Thượng Đế mà chống nghịch Ngài? Đó là những kẻ mà Mô-se dẫn ra khỏi Ai-cập. 17 Ngài nổi giận với ai suốt bốn mươi năm?—Với những kẻ phạm tội đã bỏ xác trong sa mạc. 18 Ngài phán về ai khi Ngài thề rằng họ sẽ không được vào sự an nghỉ Ngài?—Ngài phán về những kẻ chống nghịch. 19 Cho nên chúng ta thấy họ không được phép vào sự an nghỉ của Thượng Đế vì chẳng chịu tin.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 3:11 an nghỉ Nơi an nghỉ Thượng Đế hứa ban cho dân sự Ngài.
  2. Hê-bơ-rơ 3:13 ngày nay Từ ngữ nầy lấy ở câu 7. Có nghĩa là phải làm những điều nầy ngay bây giờ.

Ðấng Christ Cao Trọng Hơn Môi-se

Vì vậy thưa anh chị em[a] thánh, những người cùng dự phần ơn kêu gọi từ trời, xin hãy suy nghĩ kỹ đến Ðức Chúa Jesus, Vị Sứ Ðồ[b] và Vị Thượng Tế mà chúng ta xưng nhận. Ngài đã trung tín với Ðấng bổ nhiệm Ngài, như Môi-se đã trung tín với cả nhà Ðức Chúa Trời.[c] Ngài đã được xem là vinh hiển hơn Môi-se, giống như người xây nhà được tôn trọng hơn cái nhà – Nhà nào cũng do người nào đó xây dựng, còn Ðức Chúa Trời là Ðấng đã dựng nên muôn vật– Môi-se đã trung tín như một đầy tớ trong cả nhà Ðức Chúa Trời, để làm chứng về những điều sẽ được công bố, còn Ðấng Christ trung tín với tư cách là Con, quản trị cả nhà Ðức Chúa Trời, mà chúng ta là nhà Ngài, nếu chúng ta giữ vững đức tin và niềm hãnh diện về hy vọng của mình cho đến cuối cùng.

Sự Nghỉ Ngơi của Con Dân Chúa

Vậy như Ðức Thánh Linh phán,

“Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài,
Thì chớ cứng lòng như trong khi nổi loạn,
Như trong ngày thử thách trong đồng hoang,
Nơi tổ phụ các ngươi đã thử và thách thức Ta,
Dù họ đã thấy những việc của Ta trong bốn mươi năm.
10 Vì thế Ta đã giận thế hệ ấy và đã nói,
‘Lòng chúng nó cứ lầm lạc luôn;
Chúng chẳng biết các đường lối Ta.’
11 Như Ta đã thề trong cơn giận của Ta,
‘Chúng sẽ không được vào nơi nghỉ ngơi của Ta.’”Thi 95:7-11 LXX

12 Thưa anh chị em, hãy cẩn thận, kẻo có ai trong anh chị em sinh lòng xấu và vô tín mà lìa bỏ Ðức Chúa Trời hằng sống chăng; 13 nhưng ngày qua ngày hãy khuyên bảo nhau trong khi còn cơ hội được gọi là “ngày nay,” để không ai trong anh chị em trở nên cứng lòng vì sự lừa dối của tội lỗi. 14 Thật vậy, chúng ta trở thành những người dự phần với Ðấng Christ, nếu chúng ta giữ vững đức tin đã có từ ban đầu cho đến cuối cùng, 15 như lời đã chép,

“Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài,
Thì chớ cứng lòng như trong khi nổi loạn.”Thi 95:7-8 LXX

16 Ai là những người đã nghe tiếng Ngài mà vẫn còn nổi loạn? Chẳng phải là tất cả những người đã được Môi-se dẫn ra khỏi Ai-cập sao? 17 Ngài đã giận ai trong bốn mươi năm? Chẳng phải là những người đã phạm tội và thân thể họ đã ngã xuống trong đồng hoang sao? 18 Ai là những người Ngài đã thề sẽ không cho vào nơi nghỉ ngơi của Ngài? Chẳng phải là những người đã không vâng lời Ngài sao? 19 Thế thì chúng ta thấy rằng họ không vào được bởi vì họ chẳng tin.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 3:1 nt: anh em (tương tự cho cả sách)
  2. Hê-bơ-rơ 3:1 nt: Apostolos; ctd: Vị Sứ Giả, Vị Khâm Sai
  3. Hê-bơ-rơ 3:2 nt: nhà Ngài

Vì hiện nay Thượng Đế đã để lại cho chúng ta lời hứa vào sự an nghỉ Ngài nên chúng ta phải rất thận trọng kẻo có ai không được vào sự an nghỉ ấy. Tin Mừng được giảng ra cho chúng ta cũng như đã giảng ra cho họ. Nhưng lời dạy dỗ họ nghe chẳng ích lợi gì vì họ nghe mà không chịu tiếp nhận bằng đức tin. Còn chúng ta là người đã tin thì được hưởng sự an nghỉ của Thượng Đế như Ngài phán,

“Ta nổi giận và thề,
    Chúng nó không được hưởng sự an nghỉ ta.” (A)

Ngài phán như thế mặc dù công tác của Ngài đã làm xong từ khi sáng tạo thế gian. Trong Thánh Kinh Ngài nói đến ngày thứ bảy trong tuần: “Rồi đến ngày thứ bảy Thượng Đế nghỉ ngơi các công việc Ngài.” [a] Và cũng trong Thánh Kinh Ngài lại phán, “Chúng nó sẽ không được vào sự an nghỉ ta.”

Đành rằng có một số người sẽ vào sự an nghỉ của Thượng Đế nhưng những người đầu tiên đã nghe Tin Mừng ấy không vào được vì không vâng lời. Vì thế, Thượng Đế định cho một ngày khác gọi là “Ngày nay.” Mãi về sau Ngài nói với Đa-vít về ngày ấy và được chép trong cùng khúc Thánh Kinh đã nói trước đó:

“Ngày nay khi các ngươi nghe lời Ngài dạy,
    thì đừng ương ngạnh.” (B)

Chúng ta biết Giô-suê không có dẫn dân chúng vào sự an nghỉ ấy vì về sau Thượng Đế nói về một ngày an nghỉ khác. Do đó ta thấy sự an nghỉ [b] của dân Chúa là việc sắp đến. 10 Ai được vào sự an nghỉ của Thượng Đế cũng sẽ nghỉ ngơi khỏi các công việc mình như Thượng Đế đã nghỉ. 11 Cho nên chúng ta hãy cố gắng vào sự nghỉ ngơi của Thượng Đế để không ai bị loại ra vì bắt chước các gương phản nghịch.

12 Lời Thượng Đế [c] rất sống động, sắc bén hơn gươm hai lưỡi, cắt sâu vào chúng ta, thấu đến hồn, linh, xương, tủy, cân nhắc tư tưởng và cảm nghĩ trong lòng. 13 Không điều gì trên thế gian có thể che giấu khỏi Thượng Đế được. Mọi việc đều sẽ phơi bày rõ ràng trước mặt Ngài, là Đấng mà chúng ta sẽ phải giải thích nếp sống của mình.

Read full chapter

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 4:4 Rồi đến … việc Ngài Sáng 2:2.
  2. Hê-bơ-rơ 4:9 sự an nghỉ Nguyên văn, “nghỉ ngày Sa-bát,” có nghĩa là cùng có được sự nghỉ ngơi mà Thượng Đế chỉ định sau khi Ngài tạo lập xong thế giới.
  3. Hê-bơ-rơ 4:12 Lời Thượng Đế Những điều giáo huấn và mệnh lệnh của Thượng Đế.

Vậy trong khi lời hứa cho vào nơi nghỉ ngơi của Ngài vẫn còn hiệu lực, chúng ta khá lo sợ, kẻo có người bị hụt mất cơ hội được vào chăng. Vì chúng ta đã được nghe giảng Tin Mừng giống như họ đã được nghe giảng Tin Mừng, nhưng sứ điệp họ nghe không ích lợi gì cho họ, bởi vì họ không lấy đức tin để kết hiệp với sứ điệp đã nghe. Còn chúng ta, những người có lòng tin, thì bước vào nơi nghỉ ngơi đó, như Ngài đã phán,

“Như Ta đã thề trong cơn giận của Ta,
‘Chúng sẽ không được vào nơi nghỉ ngơi của Ta,’”Thi 95:11

mặc dù các công việc của Ngài đã hoàn tất từ khi sáng thế.[a] Vì đâu đó Ngài đã nói về ngày thứ bảy rằng,

“Ngày thứ bảy Ðức Chúa Trời nghỉ làm mọi công việc Ngài đã làm.”Sáng 2:2

Nhưng trong chỗ này Ngài lại nói,

“Chúng sẽ không được vào nơi nghỉ ngơi của Ta.”Thi 95:11

Như vậy nơi nghỉ ngơi ấy vẫn còn để dành cho một số người vào, vì những người được nghe giảng Tin Mừng trước kia đã không vào được, vì họ không chịu vâng lời. Do đó sau một thời gian khá lâu, qua một thánh thi của Ða-vít, Ngài đã ấn định một ngày khác, gọi là “ngày nay,” như đã nói ở trên,

“Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng..”Thi 95:7-8 LXX

Vì nếu Giô-suê đã đưa họ vào nơi nghỉ ngơi rồi thì Ngài đã không nói về một ngày khác nữa. Cho nên một ngày Sa-bát để nghỉ vẫn còn đó cho con dân của Ðức Chúa Trời. 10 Vì người nào đã vào nơi nghỉ ngơi của Ngài thì nghỉ làm công việc của mình, cũng như Ðức Chúa Trời đã nghỉ làm công việc của Ngài vậy. 11 Thế thì chúng ta hãy cố gắng vào nơi nghỉ ngơi đó, kẻo có ai bị ngã xuống vì theo gương những người không vâng lời chăng.

12 Vì lời Ðức Chúa Trời là sống và linh nghiệm, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu vào đến nỗi có thể chia hồn và linh, khớp và tủy, phân biệt những tư tưởng và ý định trong lòng. 13 Không vật thọ tạo nào có thể che giấu được trước thánh nhan Ngài, nhưng tất cả đều trần trụi và bị phơi bày ra trước mắt Ngài là Ðấng chúng ta phải khai trình.

Read full chapter

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 4:3 nt: thành lập vũ trụ (καταβολῆς κόσμου)