Add parallel Print Page Options

Thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc

Mên-chi-xê-đéc là vua Xa-lem và là thầy tế lễ của Thượng Đế Chí Cao. Ông ra đón Áp-ra-ham lúc Áp-ra-ham trở về sau khi chiến thắng các vua. Lúc hai người gặp nhau, Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ra-ham, còn Áp-ra-ham dâng cho vua một phần mười của các món cướp được từ quân giặc. Trước hết, tên Mên-chi-xê-đéc nghĩa là “vua nhân đức” và là vua của Xa-lem, nghĩa là “vua hòa bình.” Không ai biết gốc gác Mên-chi-xê-đéc, [a] hoặc ông từ đâu đến, sinh ra khi nào hoặc chết lúc nào. Mên-chi-xê-đéc giống như Con Thượng Đế. Ông làm thầy tế lễ đời đời.

Như vậy anh chị em thấy Mên-chi-xê-đéc cao trọng đến mức nào vì Áp-ra-ham, tổ phụ đáng kính của chúng ta dâng cho vua một phần mười những chiến lợi phẩm. Luật pháp buộc những người thuộc chi tộc Lê-vi đang giữ chức tế lễ thu một phần mười từ dân chúng—tức đồng bào mình—mặc dù cả thầy tế lễ và dân chúng đều cùng thuộc gia đình Áp-ra-ham. Mên-chi-xê-đéc không thuộc chi tộc Lê-vi nhưng ông lại thu một phần mười từ Áp-ra-ham. Ông chúc phước cho Áp-ra-ham là người nhận được lời hứa của Thượng Đế. Ai cũng biết rằng người bậc trên chúc phước cho kẻ bậc dưới là lẽ đương nhiên. Các thầy tế lễ thu một phần mười dù rằng họ cũng chỉ là người sống rồi cũng chết. Nhưng Mên-chi-xê-đéc, người nhận được một phần mười từ Áp-ra-ham, sống mãi, theo như Thánh Kinh ghi. Chúng ta cũng có thể nói Lê-vi, người nhận một phần mười, cũng đã trả một phần mười qua Áp-ra-ham khi Áp-ra-ham dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc. 10 Mặc dù khi Mên-chi-xê-đéc ra đón Áp-ra-ham thì Lê-vi lúc ấy chưa sinh ra vì còn ở trong lòng của tổ tiên.

11 Dân chúng được ban cho luật pháp [b] dựa trên một hệ thống thầy tế lễ thuộc chi tộc Lê-vi, nhưng họ không thể nhờ hệ thống ấy mà trở nên toàn thiện cho nên phải cần một thầy tế lễ khác, giống như Mên-chi-xê-đéc chứ không như A-rôn. 12 Và khi một loại thầy tế lễ khác đến thì luật pháp cũng phải thay đổi. 13 Những điều nầy chỉ về Chúa Cứu Thế. Ngài thuộc về một chi tộc khác. Chưa có ai thuộc chi tộc ấy phục vụ chức tế lễ nơi bàn thờ cả. 14 Hiển nhiên là Chúa chúng ta xuất thân từ chi tộc Giu-đa. Mô-se không hề đề cập đến các thầy tế lễ thuộc chi tộc ấy.

Chúa Giê-xu giống Mên-chi-xê-đéc

15 Điểm nầy sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta thấy một thầy tế lễ sẽ đến giống như Mên-chi-xê-đéc. 16 Ngài được lập làm tế lễ không phải theo qui tắc và luật pháp loài người, căn cứ vào gia thế nhưng qua quyền năng của đời sống Ngài, là một đời sống còn mãi mãi. 17 Có lời viết về Ngài như sau, “Con làm thầy tế lễ đời đời, như Mên-chi-xê-đéc.” [c]

18 Qui tắc cũ được gác qua một bên vì yếu kém và vô dụng. 19 Luật pháp Mô-se không thể làm cho điều gì toàn thiện được. Nhưng nay chúng ta được ban cho một hi vọng tốt hơn và nhờ hi vọng ấy chúng ta có thể đến gần Thượng Đế.

20 Điều nầy quan trọng đến nỗi Thượng Đế phải thực hiện bằng lời thề. Các thầy tế lễ khác lãnh chức vụ mà không cần lời thề. 21 Nhưng Chúa Cứu Thế trở thành thầy tế lễ bằng lời thề của Thượng Đế. Ngài phán:

“Chúa đã thề và sẽ không đổi ý.
    ‘Con làm thầy tế lễ đời đời.’” (A)

22 Điều nầy có nghĩa là Chúa Giê-xu là sự bảo đảm về một giao ước tốt hơn do Thượng Đế kết lập với dân sự Ngài.

23 Khi một trong những thầy tế lễ qua đời thì chức vụ của thầy tế lễ ấy bị gián đoạn nên cần có nhiều thầy tế lễ. 24 Nhưng Chúa Giê-xu sống mãi cho nên bao giờ Ngài cũng giữ chức tế lễ. 25 Nghĩa là lúc nào Ngài cũng có quyền cứu những người đến cùng Thượng Đế qua Ngài, vì Ngài luôn luôn sống để nài xin Thượng Đế giúp họ.

26 Chúa Giê-xu chính là thầy tế lễ mà chúng ta cần. Ngài thánh thiện, không tội lỗi, trong sạch, không bị tội nhân ảnh hưởng và trổi cao hơn các từng trời. 27 Ngài không như các thầy tế lễ khác phải dâng sinh tế mỗi ngày, trước vì tội mình, sau vì tội dân chúng. Chúa Cứu Thế dâng chính mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả. 28 Luật pháp chọn lựa các thầy tế lễ tối cao là những người bất toàn như mọi người nhưng lời thề của Thượng Đế đến sau khi có luật pháp. Lời ấy lập Con Thượng Đế làm thầy tế lễ tối cao, và Con ấy là Đấng toàn thiện đời đời.

Chúa Giê-xu là thầy tế lễ tối cao của chúng ta

Đây là điểm chúng ta đang nói: Chúng ta có một thầy tế lễ tối cao đang ngồi bên phải [d] ngôi của Thượng Đế trên thiên đàng. Thầy tế lễ tối cao của chúng ta phục vụ Nơi Chí Thánh [e], chỗ thờ phụng thật sự [f], không phải do loài người lập mà do Thượng Đế lập ra.

Thầy tế lễ nào cũng được chỉ định dâng của lễ và hi sinh cho Thượng Đế, nên thầy tế lễ tối cao của chúng ta cũng phải dâng món gì cho Ngài. Nếu thầy tế lễ tối cao của chúng ta vẫn đang sống trên đất thì không phải là thầy tế lễ nữa, vì đã có các thầy tế lễ khác trên đất đang tuân theo luật pháp mà dâng của lễ cho Thượng Đế rồi. Nhiệm vụ tế lễ chỉ là tượng trưng và hình bóng của những việc trên thiên đàng. Vì thế Thượng Đế căn dặn Mô-se rất kỹ khi ông chuẩn bị dựng Lều Thánh: “Hãy thận trọng làm y theo như sơ đồ ta chỉ cho ngươi trên núi.” [g] Nhưng nhiệm vụ tế lễ giao cho Chúa Giê-xu lớn hơn nhiệm vụ của các thầy tế lễ kia rất nhiều. Cũng thế, giao ước mới mà Chúa Giê-xu mang từ Thượng Đế xuống cho dân Ngài lớn hơn giao ước cũ. Giao ước mới dựa trên lời hứa về những điều tốt đẹp hơn.

Nếu giao ước đầu tiên không có khuyết điểm gì thì không cần phải thay thế bằng giao ước thứ nhì. Nhưng Thượng Đế thấy dân sự Ngài sơ xuất nên Ngài phán:

“Chúa phán, thời kỳ đến
    khi ta lập một giao ước mới
    với dân Ít-ra-en và dân Giu-đa.
Không giống như giao ước
    ta lập với tổ tiên họ
    khi ta dắt họ ra khỏi Ai-cập.
Nhưng vì họ không tôn trọng giao ước ấy,
    nên ta quay mặt khỏi họ,
Chúa phán vậy.
10 Chúa phán,
Đây là giao ước ta sẽ lập
    với dân Ít-ra-en lúc bấy giờ,
Ta sẽ đặt luật lệ ta trong trí họ,
    ghi những lời ấy vào lòng họ.
Ta sẽ làm Thượng Đế của họ,
    còn họ sẽ làm dân ta.
11 Không ai còn cần dạy
    xóm giềng hay thân quyến mình
    học biết về Chúa nữa,
    vì mọi người đều sẽ biết ta,
    từ người thấp kém nhất
    cho đến người cao trọng nhất.
12 Ta sẽ tha thứ họ
    về những điều ác họ làm,
Ta sẽ không nhớ đến tội lỗi họ nữa.” (B)

13 Thượng Đế gọi giao ước nầy là mới cho nên Ngài biến giao ước đầu tiên thành cũ. Cái gì đã cũ và vô dụng thì sẽ biến mất.

Giao ước cũ

Giao ước cũ có những qui tắc thờ phụng và nơi thờ phụng do tay người dựng nên. Lều Thánh có hai phần riêng biệt. Phần đầu tiên của Lều gọi là Nơi Thánh. Trong đó có cái đèn và cái bàn chưng bánh được Thượng Đế thánh hóa. Sau bức màn thứ nhì là một phòng gọi là Nơi Chí Thánh. Trong đó có bàn thờ bằng vàng để đốt hương và Rương Giao ước bọc vàng, bên trong hộp đựng giao ước cũ. Bên trong hộp có một cái bình đựng bánh ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn và hai bảng đá của giao ước cũ. Phía trên hộp là các thiên sứ [h] phô bày sự vinh hiển của Thượng Đế và các cánh che nắp hộp. Các thiên sứ ngồi trên nắp thương xót [i]. Nhưng bây giờ chúng ta không thể mô tả tỉ mỉ những vật ấy.

Khi mọi vật trong Lều được sắp xếp sẵn sàng như thế rồi thì mỗi ngày các thầy tế lễ đi vào gian phòng đầu tiên để thờ phụng. Nhưng chỉ có một mình thầy tế lễ tối cao mới được vào gian phòng thứ nhì, mỗi năm một lần thôi. Thầy tế lễ tối cao không thể vào phòng ấy mà không mang huyết theo dâng cho Thượng Đế để chuộc tội mình và chuộc tội vô tình của dân chúng. Thánh Linh dùng điều nầy để cho thấy rằng khi hệ thống Lều Thánh cũ vẫn đang được dùng thì đường vào Nơi Chí Thánh [j] chưa mở ra. Đây là ví dụ về thời hiện tại. Hình ảnh ấy cho thấy rằng các của lễ và sinh tế không thể khiến lương tâm kẻ thờ phụng toàn thiện được. 10 Các của lễ và sinh tế chỉ liên quan đến thực phẩm, thức uống và nghi thức tẩy sạch. Đó là những qui luật cho thân thể phải tuân theo cho đến khi Thượng Đế chỉ cách thức mới.

Giao Ước Mới

11 Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đến làm thầy tế lễ tối cao mang những điều tốt đẹp chúng ta hiện đang hưởng, thì Ngài đi vào một lều lớn hơn và hoàn toàn hơn, không do tay người làm ra và cũng không thuộc về trần gian nầy. 12 Chúa Cứu Thế đi vào Nơi Chí Thánh một lần đủ cả. Ngài không mang theo huyết của dê hoặc bò con. Sinh tế của Ngài mang vào là chính huyết mình, nhờ huyết ấy Ngài giải thoát chúng ta đời đời khỏi tội lỗi. 13 Nếu huyết của dê, bò đực và tro của bò cái rắc lên những người không tinh sạch còn làm cho thân thể họ được sạch, 14 huống chi huyết của Chúa Cứu Thế còn hữu hiệu đến mức nào nữa. Ngài dâng chính mình qua Thần linh [k] đời đời để làm một sinh tế toàn vẹn cho Thượng Đế. Huyết Ngài tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những hành vi dẫn đến cái chết để chúng ta có thể thờ kính và phục vụ Thượng Đế hằng sống.

15 Do đó, Chúa Cứu Thế mang đến cho dân chúng một Giao Ước Mới từ Thượng Đế. Những ai được Thượng Đế kêu gọi thì bây giờ có thể hưởng được phúc lành đời đời mà Ngài đã hứa. Họ nhận được những phúc lành ấy là vì Chúa Cứu Thế chịu chết để ai sống dưới giao ước cũ đều được giải thoát khỏi tội.

16 Khi có tờ di chúc thì phải chứng tỏ rằng người viết di chúc đó đã qua đời. 17 Di chúc ấy chẳng có giá trị gì khi người đó còn sống; nó chỉ có hiệu lực sau khi người ấy qua đời. 18 Vì thế giao ước đầu tiên không thể bắt đầu nếu không có huyết để chứng tỏ đã có một cái chết. 19 Trước hết, Mô-se dạy dân sự mọi mệnh lệnh mà luật pháp dặn bảo. Sau đó ông lấy huyết của bò con và dê trộn với nước, rồi lấy len đỏ và nhánh kinh giới rưới lên sách luật và trên dân chúng. 20 Ông nói, “Đây là huyết để bắt đầu Giao ước mà Thượng Đế truyền cho các ngươi phải vâng giữ.” [l] 21 Cũng thế, Mô-se rưới huyết lên Lều Thánh và trên mọi vật dùng trong việc thờ phụng. 22 Luật pháp qui định rằng mọi việc phải được tẩy sạch nhờ huyết vì nếu không đổ huyết thì không thể được tha tội.

Sự chết Chúa Giê-xu xóa sạch tội lỗi

23 Cho nên những gì tượng trưng cho các việc thật trên trời phải được tẩy sạch qua của lễ bằng thú vật; nhưng những việc thật trên trời cần những sinh tế tốt hơn thú vật. 24 Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải đi vào Nơi Chí Thánh do tay người làm ra, một nơi tiêu biểu cho Nơi Chí Thánh thật. Ngài đi vào chính thiên đàng và hiện nay đang ở trước mặt Thượng Đế để cầu khẩn cho chúng ta. 25 Thầy tế lễ tối cao mỗi năm đi vào Nơi Chí Thánh một lần mang theo huyết mà không phải huyết mình. Nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu không cần phải hi sinh mạng Ngài nhiều lần. 26 Nếu không thì kể từ khi tạo thiên lập địa, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần. Nhưng Ngài chỉ đến một lần đủ cả vào thời kỳ cuối cùng nầy để xóa tội lỗi đi bằng cách hi sinh chính mình. 27 Vì đã định cho mọi người phải chết một lần rồi chịu xét xử, 28 cho nên Chúa Cứu Thế Giê-xu dâng mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả để xóa tội lỗi của nhiều người. Ngài sẽ trở lại lần thứ hai, không phải để hi sinh vì tội lỗi nữa, mà là đem sự cứu rỗi đến cho những kẻ chờ đợi Ngài.

Sự hi sinh của Chúa Cứu Thế xóa sạch tội lỗi

10 Luật pháp chỉ là tượng trưng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong tương lai; luật pháp không phải là hình ảnh chính xác của vật thật. Những ai ở dưới luật pháp cứ phải dâng sinh tế mỗi năm, nhưng những sinh tế ấy không thể làm cho những kẻ đến gần để thờ phụng Thượng Đế trở thành toàn thiện được. Vì nếu luật pháp có thể khiến họ toàn thiện thì khỏi cần phải dâng sinh tế nữa. Nếu những kẻ thờ phụng nhờ đó mà được tẩy sạch thì không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Nhưng mỗi năm những sinh tế ấy nhắc họ nhớ lại tội lỗi, vì huyết của bò đực và dê đực không thể nào xóa tội lỗi được.

Cho nên khi Chúa Cứu Thế đến thế gian thì Ngài phán,

“Chúa chẳng muốn sinh tế và của lễ
    nhưng đã chuẩn bị cho tôi một thân thể.
Ngài không hài lòng về của lễ thiêu
    và của lễ xóa tội lỗi.
Rồi tôi nói, ‘Lạy Thượng Đế, tôi đến.
Trong sách có viết về tôi.
    Tôi đến để làm theo ý muốn Ngài.’” (C)

Trong khúc Thánh Kinh nầy lúc đầu Ngài nói, “Chúa không muốn sinh tế và của lễ, Chúa không hài lòng về của lễ thiêu và của lễ xóa tội lỗi” mặc dù đó là những của lễ mà luật pháp qui định. Rồi Ngài nói, “Lạy Thượng Đế, tôi đến để làm theo ý muốn Ngài.” Thượng Đế đã bãi bỏ hệ thống hi sinh cũ để thiết lập hệ thống mới. 10 Vì thế, chúng ta được thánh hóa qua sự hi sinh thân thể của Chúa Cứu Thế một lần đủ cả.

11 Mỗi ngày các thầy tế lễ đứng thi hành nhiệm vụ bao giờ cũng dâng cùng một loại sinh tế. Những sinh tế ấy không bao giờ xóa tội được. 12 Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế hi sinh vì tội lỗi một lần đủ cả thì Ngài ngồi bên phải Thượng Đế. 13 Hiện nay Ngài đang chờ đợi kẻ thù bị đặt dưới quyền Ngài [m]. 14 Chỉ cần một của lễ hi sinh thôi, Ngài đã làm cho toàn thiện đời đời những kẻ đã được thánh hóa.

15 Thánh Linh cũng có đề cập về điều nầy cho chúng ta. Trước Ngài nói,

16 “Chúa phán,
Đây là giao ước [n] ta sẽ lập với họ lúc ấy.
Ta sẽ đặt luật lệ ta trong lòng họ
    và ghi những lời đó vào tâm trí họ.” (D)

17 Rồi Ngài phán,

“Ta sẽ không nhớ những tội lỗi và điều ác họ làm nữa.” (E)

18 Sau khi những tội lỗi ấy đã được tha thứ thì không cần sinh tế để chuộc tội nữa.

Hãy vững tin nơi Thượng Đế

19 Cho nên, thưa anh chị em, bây giờ chúng ta nay được hoàn toàn tự do và dạn dĩ đi vào Nơi Chí Thánh [o] do sự chết [p] của Chúa Giê-xu mang lại. 20 Chúng ta có thể đi trên con đường mới và sống mà Chúa Giê-xu đã mở ra cho chúng ta, dẫn chúng ta qua bức màn [q]—tức xác Ngài. 21 Và vì chúng ta có một thầy tế lễ tối cao rất lớn quản trị cả nhà Thượng Đế 22 cho nên chúng ta hãy lấy lòng chân thành với đức tin vững chắc mà đến gần Thượng Đế vì chúng ta đã được tẩy sạch khỏi lương tâm tội lỗi, thân thể được rửa bằng nước trong. 23 Hãy nắm vững hi vọng mà chúng ta đã xưng nhận vì tin chắc Thượng Đế sẽ làm được điều Ngài hứa.

Hãy giúp mọi người thêm vững mạnh

24 Chúng ta hãy suy nghĩ đến nhau và tìm cách khuyến khích nhau, bày tỏ tình yêu thương và làm điều thiện. 25 Đừng xao lãng các cuộc nhóm họp, như một số người đang làm, nhưng hãy siêng năng nhóm họp và khích lệ nhau. Khi thấy ngày ấy [r] đến gần chừng nào thì anh chị em hãy càng sốt sắng thêm chừng nấy.

Đừng quay khỏi Chúa Cứu Thế

26 Nếu sau khi đã học biết chân lý mà chúng ta nhất quyết tiếp tục phạm tội thì không còn sinh tế nào để chuộc lỗi nữa. 27 Chỉ còn có lo sợ chờ đợi sự trừng phạt và lửa khủng khiếp tiêu diệt những kẻ chống nghịch Thượng Đế mà thôi. 28 Ai không vâng giữ luật pháp Mô-se thì bị kết tội dựa theo bằng cớ của hai hoặc ba nhân chứng và bị xử tử, không khoan hồng. 29 Cho nên anh chị em nghĩ phải đối xử thế nào với những kẻ coi thường Con Thượng Đế, xem huyết giao ước đã thánh hóa họ chẳng khác nào một thứ huyết khác, sỉ nhục Thánh Linh của ân phúc Thượng Đế? Chắc chắn họ phải bị trừng phạt nặng hơn. 30 Chúng ta biết Thượng Đế phán, “Ta sẽ trừng phạt kẻ phạm tội; ta sẽ báo trả họ.” [s] Ngài cũng phán thêm, “Chúa sẽ xét xử dân Ngài.” [t] 31 Rơi vào tay Thượng Đế hằng sống là điều khủng khiếp.

Hãy giữ lòng can đảm và tính kiên nhẫn đang có

32 Hãy nhớ lại trước kia lúc anh chị em mới học biết chân lý. Anh chị em phải chiến đấu gay go với nhiều khổ đau nhưng vẫn vững mạnh. 33 Đôi khi bị chế giễu và bị ngược đãi công khai và đôi lúc anh chị em cùng san sẻ với những người gặp đồng hoàn cảnh. 34 Anh chị em giúp đỡ và chia xẻ nỗi khổ của những kẻ tù tội và khi bị người ta tước đoạt tài sản mà vẫn vui dù vì biết mình có những của cải tốt hơn và bền vững hơn.

35 Cho nên đừng mất lòng can đảm của anh chị em, vì có phần thưởng rất lớn đi theo. 36 Anh chị em hãy bền lòng vâng theo ý muốn Thượng Đế và nhận được điều Ngài hứa. 37 Vì ít lâu nữa thôi,

“Đấng phải đến sẽ đến.
    Ngài không chậm trễ đâu.
38 Người đã giảng hòa cùng ta
    sẽ sống bằng đức tin.
Nhưng nếu sợ hãi mà quay đi,
    thì ta sẽ không vui lòng chút nào.” (F) [u]

39 Nhưng chúng ta không phải là những kẻ quay đi để bị chết mất. Chúng ta là những người có đức tin và đã được cứu rỗi.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 7:3 Không ai biết gốc gác Mên-chi-xê-đéc Nguyên văn, “Mên-chi-xê-đéc không cha, không mẹ, không gia phổ.”
  2. Hê-bơ-rơ 7:11 Dân chúng … luật pháp Đây nói về dân Ít-ra-en được ban cho luật pháp của Mô-se.
  3. Hê-bơ-rơ 7:17 Con làm … Mên-chi-xê-đéc Thi 110:4.
  4. Hê-bơ-rơ 8:1 bên phải Vị trí tôn trọng và quyền lực.
  5. Hê-bơ-rơ 8:2 Nơi Chí Thánh Nguyên văn, “chỗ cực thánh,” một nơi thiêng liêng nơi Thượng Đế ngự và được thờ kính.
  6. Hê-bơ-rơ 8:2 chỗ thờ phụng thật sự Nguyên văn, “Đền Tạm” hay “Lều Tạm.”
  7. Hê-bơ-rơ 8:5 Hãy thận trọng … trên núi Xuất 25:40.
  8. Hê-bơ-rơ 9:5 thiên sứ Còn gọi là Chê-ru-bim, có khi gọi là hình nhân.
  9. Hê-bơ-rơ 9:5 nắp thương xót Hay “ngôi thương xót,” một nơi trên nắp “Hộp Giao Ước,” chỗ mà thầy tế lễ tối cao rưới huyết của thú vật mỗi năm một lần để chuộc tội cho dân chúng.
  10. Hê-bơ-rơ 9:8 Nơi Chí Thánh Nguyên văn, “chỗ cực thánh,” nơi thiêng liêng mà Thượng Đế ngự và được thờ kính. Xem câu 12, 24.
  11. Hê-bơ-rơ 9:14 Thần linh Có thể là Thánh Linh, thần linh của chính Chúa Cứu Thế hoặc bản chất thiêng liêng và đời đời của sự hi sinh Ngài. Xem “Thánh Linh” ở Bảng Giải Thích Từ Ngữ.
  12. Hê-bơ-rơ 9:20 Đây là … vâng giữ Xuất 24:8.
  13. Hê-bơ-rơ 10:13 bị đặt dưới quyền Ngài Nguyên văn, “làm bệ chân Ngài.”
  14. Hê-bơ-rơ 10:16 giao ước Giao ước mới và tốt hơn và Thượng Đế ban cho dân sự Ngài qua Chúa Giê-xu. Xem Bảng Giải Thích Từ Ngữ.
  15. Hê-bơ-rơ 10:19 Nơi Chí Thánh Nguyên văn, “chỗ cực thánh,” một nơi thiêng liêng nơi Thượng Đế ngự và được thờ kính.
  16. Hê-bơ-rơ 10:19 sự chết Nguyên văn, “huyết.”
  17. Hê-bơ-rơ 10:20 bức màn Bức màn thiêng liêng được thể hiện qua bức màn thật phân cách nơi thánh bên trong (nơi Thượng Đế hiện diện) và các phần các của Lều Thánh và của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Xem “bức màn” trong Bảng Giải Thích Từ Ngữ.
  18. Hê-bơ-rơ 10:25 ngày ấy Có thể là ngày Chúa Cứu Thế trở lại để xét xử mọi người và đem dân sự Ngài về ở với Ngài.
  19. Hê-bơ-rơ 10:30 Ta sẽ … báo trả họ Phục 32:35.
  20. Hê-bơ-rơ 10:30 Chúa sẽ … dân Ngài Phục 32:36.
  21. Hê-bơ-rơ 10:38 Theo bản Cựu Ước tiếng Hi-lạp.

Tư Tế Mên-chi-xê-đéc

Vua Mên-chi-xê-đéc ở Sa-lem này là tư tế của Ðức Chúa Trời Tối Cao, là người đã ra nghinh đón Áp-ra-ham và chúc phước cho ông, sau khi ông đánh bại[a] các vua trở về. Áp-ra-ham đã lấy một phần mười của mọi chiến lợi phẩm chia cho vua ấy. Trước hết tên của vua là “Mên-chi-xê-đéc,” có nghĩa là “Vua Công Chính,” và cũng là vua của Sa-lem, có nghĩa là “Vua Hòa Bình.” Vua không cha, không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày chết, nhưng giống như Con Ðức Chúa Trời, vua cứ làm tư tế đời đời.

Hãy xem, vua ấy cao trọng biết bao! Ngay cả tổ phụ Áp-ra-ham mà còn dâng một phần mười các chiến lợi phẩm cho vua ấy.

Các con cháu của Lê-vi, hễ ai nhận được chức vụ làm tư tế thì cứ theo điều lệ đã quy định trong Luật Pháp được quyền nhận một phần mười từ dân, tức từ các anh chị em của họ, dù họ cũng ra từ lòng Áp-ra-ham. Nhưng vua ấy, không thuộc về dòng tộc của họ, lại nhận một phần mười từ Áp-ra-ham, và vua ấy đã chúc phước cho ông, là người có lời hứa. Người bậc thấp được người bậc cao chúc phước là điều không ai thắc mắc. Ðàng này những tư tế nhận một phần mười là những phàm nhân phải qua đời, nhưng đàng kia, vua ấy lại được làm chứng là còn đang sống. Có thể nói rằng, qua Áp-ra-ham, ngay cả Lê-vi, người đã nhận một phần mười, cũng đã dâng một phần mười cho vua ấy, 10 vì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ ông khi Mên-chi-xê-đéc ra đón gặp tổ phụ ông.

11 Vậy nếu nhờ chức vụ tư tế của người Lê-vi mà người ta được trở nên trọn vẹn –vì dân nhận được Luật Pháp trên căn bản của chức vụ tư tế ấy– thì tại sao cần phải dấy lên một tư tế khác theo dòng Mên-chi-xê-đéc, mà không là một người theo dòng A-rôn? 12 Vì khi có sự thay đổi về dòng tư tế, thì cũng cần phải thay đổi trong Luật Pháp.

Chức Vụ Tư Tế của Ðấng Christ Cao Trọng Hơn Chức Vụ Tư Tế của A-rôn

13 Về Ðấng mà những điều này luận đến lại thuộc về một chi tộc khác, một chi tộc chưa có ai được phục vụ nơi bàn thờ. 14 Vì rõ ràng rằng Chúa chúng ta đã xuất thân từ dòng dõi Giu-đa, mà về chi tộc ấy, Môi-se không nói chi về chức vụ tư tế cả.

15 Ðiều đó càng rõ ràng hơn khi một vị tư tế khác tương tự như Mên-chi-xê-đéc dấy lên, 16 Ðấng ấy không trở thành tư tế dựa trên những quy định trong Luật Pháp về huyết thống, nhưng dựa trên quyền năng của sự sống bất diệt. 17 Vì Ngài đã được chứng rằng,

“Con làm tư tế đời đời,
Theo dòng Mên-chi-xê-đéc.”Thi 110:4

18 Như vậy trong một phương diện, điều răn trước kia đã bị bãi bỏ vì bất lực và vô dụng 19 (bởi Luật Pháp chẳng làm ai trở nên trọn vẹn), nhưng một phương diện khác, một hy vọng tốt hơn đã được đưa vào thay thế; nhờ hy vọng ấy chúng ta được đến gần Ðức Chúa Trời.

20 Ðiều ấy không phải là không có lời thề xác định. 21 Vì những vị kia trở thành tư tế thì không cần lời thề, nhưng Ngài thì có một lời thề được lập bởi Ðấng đã nói với Ngài,

“Chúa đã thề và sẽ không đổi ý của Ngài,
‘Con làm tư tế đời đời.’”Thi 110:4

22 Theo lời thề ấy thì Ðức Chúa Jesus đã trở thành người bảo đảm cho một giao ước tốt hơn. 23 Ngoài ra có nhiều người đã trở thành tư tế, bởi vì sự chết ngăn trở họ tiếp tục chức vụ, 24 nhưng Ngài thì tồn tại đời đời, nên Ngài có một chức vụ tư tế vĩnh viễn. 25 Do đó Ngài có thể cứu hoàn toàn những ai nhờ Ngài mà đến gần Ðức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

26 Thật vậy chúng ta cần có một Vị Thượng Tế như thế, một Ðấng thánh khiết, vô tội, trong sạch, tách biệt khỏi những kẻ tội lỗi, và được cất lên cao hơn các tầng trời; 27 một Ðấng không có nhu cầu hằng ngày như bao nhiêu vị thượng tế khác, tức dâng con vật hiến tế chuộc tội cho mình và cho dân, vì Ngài đã dâng chính Ngài một lần đủ cả. 28 Vì Luật Pháp lập những con người yếu đuối làm những thượng tế, nhưng lời thề đến sau Luật Pháp thì đã lập Con, Ðấng đã được làm cho trọn vẹn đời đời.

Chức Vụ Thượng Tế của Ðức Chúa Jesus

Ðiểm chính yếu của những điều chúng ta vừa nói là thế này: Chúng ta có một Vị Thượng Tế như thế đang ngồi bên phải ngai của Ðấng Tôn Nghiêm trên trời; Ngài đang phục vụ trong đền thánh, là đền tạm thật, do chính Chúa, chứ không do loài người, dựng lên.

Vì mỗi vị thượng tế được lập lên để dâng các lễ vật và các thú vật hiến tế, nên Vị Thượng Tế này cũng cần có vật chi để dâng. Tuy nhiên nếu Ngài ở thế gian, Ngài không phải làm tư tế, vì đã có các vị khác dâng các lễ vật theo Luật Pháp dạy rồi. Những vị ấy phục vụ trong một đền thờ chỉ là mô phỏng và hình bóng của ngôi đền thật trên trời, như Môi-se đã được căn dặn khi ông sắp xây dựng đền tạm,

“Hãy cẩn thận làm theo kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi.”Xuất 25:40

Nhưng hiện nay Ngài có một chức vụ cao trọng hơn, và như thế Ngài cũng làm Ðấng Trung Gian cho một giao ước tốt hơn, một giao ước được lập trên những lời hứa tốt hơn. Vì nếu giao ước thứ nhất đã toàn hảo thì không cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế làm gì. Tuy nhiên Ðức Chúa Trời đã hạch tội họ khi Ngài phán,

“Này, những ngày đến, Chúa phán,
Ta sẽ lập một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa;
Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã lập với tổ phụ chúng,
Trong ngày Ta nắm tay chúng,
Dẫn chúng ra khỏi đất Ai-cập.
Vì chúng chẳng tiếp tục giữ giao ước Ta,
Nên Ta không quan tâm đến chúng nữa, Chúa phán.
10 Vì đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên,
Sau những ngày ấy, Chúa phán,
Ta sẽ đặt luật pháp Ta vào tâm trí chúng,
Ta sẽ ghi khắc luật pháp Ta vào lòng chúng,
Ta sẽ làm Ðức Chúa Trời của chúng,
Và chúng sẽ làm dân Ta.
11 Chúng sẽ không phải dạy đồng bào mình,
Cũng không ai phải dạy anh chị em mình rằng,
‘Hãy nhìn biết Chúa,’
Vì tất cả sẽ biết Ta, từ kẻ nhỏ nhất đến người lớn nhất;
12 Bởi vì Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với các gian ác của chúng,
Còn các tội lỗi của chúng, Ta sẽ không nhớ đến nữa.”Giê 31:31-34

13 Khi Ngài phán, “một giao ước mới,” có nghĩa là Ngài làm cho giao ước thứ nhất trở nên lỗi thời; và những gì trở nên lỗi thời và cũ kỹ thì biến mất chẳng bao lâu.

So Sánh Sự Thi Hành Chức Vụ Thượng Tế Dưới Ðất và Chức Vụ Thượng Tế Trên Trời

Vậy giao ước thứ nhất cũng có những quy luật thờ phượng và một đền thánh trên đất. Vì trong Ðền Tạm, phòng thứ nhất ở phía trước được gọi là Nơi Thánh, nơi ấy được thiết trí với cây đèn, bàn, và bánh thánh. Phía sau bức màn là một phòng thứ hai được gọi là Nơi Chí Thánh, trong đó có bàn thờ dâng hương bằng vàng và Rương Giao Ước được bọc vàng mọi phía, trong rương có một bình bằng vàng đựng man-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và các bảng giao ước. Trên nắp rương là các chê-ru-bim oai nghiêm rực rỡ, dang cánh che phủ nắp thi ân. Về những điều ấy thì không cần phải nói từng chi tiết lúc này.

Các vật đó được sắp đặt như thế để các tư tế thường xuyên đi vào phòng thứ nhất của Ðền Tạm hầu cử hành các nghi lễ phụng vụ. Nhưng phòng thứ nhì thì chỉ vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, và phải luôn đem theo huyết, để dâng lên, chuộc những tội lỗi của ông và của toàn dân đã vô tình phạm.

Ðức Thánh Linh dùng điều đó để cho chúng ta biết rằng ngày nào phòng thứ nhất của Ðền Tạm vẫn còn thì đường vào Nơi Chí Thánh vẫn chưa mở. Ðó là hình bóng của thời hiện tại, thời các lễ vật và các thú vật hiến tế được dâng hiến không thể làm cho lương tâm người thờ phượng được thánh sạch vẹn toàn. 10 Những điều ấy chỉ liên quan đến thức ăn, thức uống, các hình thức tẩy rửa, những luật lệ cho xác thịt được áp đặt cho đến khi có một trật tự mới.

11 Nhưng Ðấng Christ đã đến để làm Vị Thượng Tế của những điều tốt đẹp hơn sắp đến. Ngài đi vào một Ðền Tạm vĩ đại hơn và toàn hảo hơn, không bởi tay loài người dựng nên, tức là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Ngài không nhờ huyết của dê đực và bò đực, nhưng dùng chính huyết Ngài, để vào Nơi Chí Thánh một lần đủ cả, mà thực hiện sự cứu chuộc đời đời. 13 Vì nếu huyết của dê đực và bò đực, cùng tro của bò cái tơ rảy trên những người bị ô uế có thể thánh hóa họ, làm phần xác của họ được tinh sạch, 14 thì huyết của Ðấng Christ, Ðấng nhờ Ðức Thánh Linh đời đời dâng chính Ngài làm con vật hiến tế không tì vết lên Ðức Chúa Trời, tẩy sạch những việc chết khỏi lương tâm chúng ta để chúng ta phục vụ Ðức Chúa Trời hằng sống, có hiệu lực hơn biết dường nào!

Ðấng Christ Lập Giao Ước Mới Bằng Chính Huyết Ngài

15 Vì lý do đó Ngài là Ðấng Trung Gian của giao ước mới, để những người được gọi có thể nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa, vì cái chết đã xảy ra để cứu chuộc những người phạm tội dưới giao ước thứ nhất.

16 Nơi nào có chúc thư thì người lập chúc thư cần phải được xác nhận rằng đã qua đời, 17 vì chúc thư chỉ có hiệu lực khi người lập chúc thư đã qua đời, vì chúc thư không bao giờ được đem ra thi hành khi người lập chúc thư vẫn còn sống. 18 Vì vậy ngay cả giao ước thứ nhất cũng không có hiệu lực nếu không có huyết. 19 Sau khi Môi-se công bố mọi điều răn trong Luật Pháp cho toàn dân, ông đã lấy huyết của bò đực và dê đực, với nước, dây nhung đỏ, và nhánh cây bài hương rảy trên cuộn sách và trên toàn dân, 20 rồi nói rằng,

“Ðây là huyết của giao ước mà Ðức Chúa Trời đã truyền cho anh chị em.”Xuất 24:8

21 Tương tự ông cũng rảy huyết trên Lều Tạm và trên mọi khí dụng được dùng trong việc thờ phượng. 22 Thật vậy theo Luật Pháp hầu hết mọi vật phải nhờ huyết để được tinh sạch, và không có đổ huyết thì không có sự tha thứ.

23 Vậy nếu những gì mô phỏng của những cái có thật trên trời mà còn phải được thanh tẩy như thế, thì chính những cái có thật trên trời càng phải được thanh tẩy bằng các thú vật hiến tế cao quý hơn biết bao. 24 Vì Ðấng Christ đã không vào Nơi Chí Thánh do loài người dựng nên, tức những gì mô phỏng của những cái có thật, nhưng Ngài đã vào chính thiên đàng để hiện nay vì chúng ta xuất hiện trước mặt Ðức Chúa Trời. 25 Không phải Ngài vào đi vào lại nhiều lần để dâng chính Ngài như các vị thượng tế khác phải vào Nơi Chí Thánh hằng năm, mang theo huyết không phải là huyết của mình. 26 Vì nếu không như thế thì từ khi sáng tạo vũ trụ đến nay Ngài đã phải chịu đau đớn nhiều lần rồi; nhưng nay, vào cuối các thời đại, Ngài xuất hiện chỉ một lần đủ cả, dâng chính Ngài làm con vật hiến tế để cất bỏ tội lỗi.

27 Theo như đã định cho loài người, ai cũng phải chết một lần, và sau đó sẽ bị phán xét. 28 Ðấng Christ cũng vậy, sau khi đã dâng chính mình Ngài một lần để mang lấy tội lỗi của nhiều người, Ngài sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để mang lấy tội lỗi, nhưng để cứu những người trông đợi Ngài.

Dâng Thú Vật Hiến Tế theo Luật Pháp Không Còn Hiệu Lực

10 Thật vậy Luật Pháp chỉ là hình bóng của những điều tốt đẹp sắp đến, chứ không phải hình thể đích thực của những điều ấy, nên không bao giờ có thể làm cho những người đến gần được toàn hảo bằng các thú vật hiến tế dâng hiến liên tục từ năm này qua năm khác. Vì nếu được, chẳng phải họ đã ngưng dâng thú vật hiến tế rồi sao, vì một khi những người thờ phượng được tẩy sạch một lần đủ cả, thì họ đâu còn mặc cảm tội lỗi gì nữa? Tuy nhiên việc dâng các thú vật hiến tế đó vẫn tiếp tục duy trì, để nhắc nhở con người về tội lỗi mình từ năm này qua năm khác, vì huyết của bò đực và dê đực không thể nào cất bỏ tội lỗi được.

Vì thế khi Ðấng Christ vào thế gian, Ngài nói,

“Chúa không muốn con vật hiến tế và lễ vật,
Nhưng Chúa đã chuẩn bị một thân thể cho con,
Của lễ toàn thiêu và của lễ chuộc tội,
Chúa đã chẳng vui lòng.
Bấy giờ con nói, ‘Lạy Ðức Chúa Trời, này, con đến –trong sách có viết về con– để thực hiện ý muốn của Ngài.’”Thi 40:6-8

Như Ngài nói ở trên, “Chúa không muốn và không vui lòng về các thú vật hiến tế, lễ vật, của lễ toàn thiêu, và của lễ chuộc tội” được dâng hiến theo Luật Pháp quy định, rồi Ngài lại nói, “Này, con đến để thực hiện ý muốn của Ngài.” Ngài bỏ điều trước để lập điều sau. 10 Thế thì theo ý muốn ấy, chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Chúa Jesus Christ dâng chính thân thể Ngài một lần đủ cả.

Chỉ Ðấng Christ Là Lễ Vật Hiến Tế Có Hiệu Lực

11 Mỗi tư tế đứng phục vụ từ ngày này qua ngày khác, dâng các thú vật hiến tế giống nhau, là những lễ vật không thể cất bỏ tội lỗi đi được. 12 Nhưng Ðấng Christ[b] thì chỉ dâng một lễ vật hiến tế để chuộc tội một lần đủ cả, rồi ngồi xuống bên phải Ðức Chúa Trời. 13 Từ đó trở đi Ngài đợi cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ chân Ngài. 14 Vì chỉ dâng một lễ vật, Ngài đã làm toàn hảo vĩnh viễn những người được thánh hóa.

15 Ðức Thánh Linh cũng đã làm chứng cho chúng ta như vậy; sau khi Ngài phán,

16 “Ðây là giao ước Ta sẽ lập với chúng,
Sau những ngày ấy, Chúa phán,
Ta sẽ đặt luật pháp của Ta vào lòng chúng,
Ta sẽ ghi khắc luật pháp ấy vào tâm trí chúng.
17 Những tội lỗi của chúng và những gian ác của chúng,
Ta sẽ không nhớ đến nữa.”Giê 31:33-34

18 Vậy nơi nào tội lỗi đã được tha thứ, nơi đó không cần dâng của lễ chuộc tội nữa.

Khuyên Ðến Gần Ðức Chúa Trời

19 Vậy thưa anh chị em, vì nhờ huyết của Ðức Chúa Jesus, chúng ta được dạn dĩ vào Nơi Chí Thánh 20 bằng một con đường mới và sống mà Ngài đã mở cho chúng ta xuyên qua bức màn, tức xuyên qua xác Ngài, 21 và vì chúng ta có một Vị Tư Tế vĩ đại đang cai quản nhà Ðức Chúa Trời, 22 chúng ta hãy đến gần Ðức Chúa Trời với lòng chân thành trong sự bảo đảm hoàn toàn của đức tin, tấm lòng được tẩy sạch[4][c] khỏi lương tâm xấu, và thân thể được rửa sạch bằng nước trong. 23 Chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng về hy vọng của chúng ta một cách không nao núng, vì Ðấng đã hứa là thành tín. 24 Chúng ta hãy tìm cách giục giã nhau sống yêu thương và làm những điều tốt. 25 Ðừng bỏ sự nhóm lại với nhau như một số người quen làm, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khi anh chị em thấy ngày ấy đến gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

Nguy Hiểm Khi Bỏ Chúa

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận biết chân lý thì không còn lễ vật hiến tế nào để chuộc tội nữa, 27 nhưng chỉ còn đợi chờ sự phán xét kinh khủng và lửa hừng thiêu đốt những kẻ bội nghịch mà thôi. 28 Ai loại bỏ Luật Pháp của Môi-se mà có hai hoặc ba người làm chứng thì chết đi không thương xót, 29 huống chi kẻ giày đạp Con Ðức Chúa Trời, khinh thường huyết của giao ước mà nhờ đó mình được thánh hóa, và nhục mạ Ðức Thánh Linh của ân sủng, anh chị em nghĩ kẻ như thế không đáng bị hình phạt nặng hơn sao? 30 Vì chúng ta biết Ðấng đã phán,

“Sự báo thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả,”Phục 32:35
và rằng,
“Chúa sẽ đoán xét dân Ngài.”Phục 32:36

31 Sa vào tay Ðức Chúa Trời hằng sống thật là kinh khiếp thay!

Lý Do Kiên Trì Theo Chúa

32 Xin anh chị em nhớ lại những ngày đầu, khi mới được khai minh, anh chị em đã chịu đựng một cuộc đấu tranh lớn lao với biết bao gian khổ, 33 khi thì bị sỉ nhục và bị bách hại trước công chúng, khi thì chia sẻ nỗi khổ với những anh chị em bị ngược đãi tương tự. 34 Vì anh chị em đã cảm thương những người bị tù và vui lòng chấp nhận để tài sản mình bị tước đoạt, vì biết rằng anh chị em có một tài sản tốt hơn và còn lại mãi.

35 Vậy xin anh chị em đừng bỏ mất niềm tin quả quyết của mình, vì nó sẽ đem lại phần thưởng lớn. 36 Anh chị em cần phải kiên nhẫn, để sau khi làm xong ý muốn của Ðức Chúa Trời, anh chị em sẽ nhận được điều đã hứa.

37 “Vì chỉ còn ít lâu nữa, Ðấng phải đến sẽ đến,
Ngài sẽ không chậm trễ đâu.
38 Người công chính của Ta sẽ sống bởi đức tin,
Và nếu người nào lui đi,
Thì linh hồn Ta chẳng vui về người ấy chút nào.”Hab 2:3-4 LXX

39 Nhưng chúng ta không phải là những kẻ lui đi để bị hư mất, nhưng là những người giữ vững đức tin để linh hồn được cứu.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 7:1 nt: tàn sát
  2. Hê-bơ-rơ 10:12 nt: Người này hay Vị Thượng Tế này
  3. Hê-bơ-rơ 10:22 nt: được rảy (huyết, hay nước)