Add parallel Print Page Options

Phao-lô Yêu Cầu Ðược Hoàng Ðế Xét Xử

25 Khi Phê-tu đến nhậm chức trong tỉnh được ba ngày, ông từ Sê-sa-rê đi lên Giê-ru-sa-lem. Các trưởng tế và những người lãnh đạo dân Do-thái đến tố cáo Phao-lô với ông. Họ khẩn nài ông cho họ một ân huệ là ông giải Phao-lô về Giê-ru-sa-lem, vì họ đã lập mưu phục kích giết ông ở dọc đường. Nhưng Phê-tu trả lời rằng Phao-lô đang bị giam ở Sê-sa-rê, và chính ông sẽ trở về đó sớm. Vì thế ông bảo, “Những người có thẩm quyền trong các ngươi hãy xuống đó gặp ta. Nếu các ngươi thấy người ấy phạm tội gì, các ngươi cứ việc tố cáo.”

Ông ở lại với họ khoảng tám hay mười ngày, rồi trở xuống Sê-sa-rê. Hôm sau ông ngồi vào ghế xử án ở tòa và truyền đem Phao-lô đến. Khi Phao-lô vừa đến, những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem xuống ập đến vây lấy ông và tố cáo ông nhiều tội trọng, nhưng chẳng có bằng chứng nào cả.

Phao-lô đã nói khi tự biện hộ rằng, “Tôi không phạm luật nào của người Do-thái, cũng không phạm luật nào của đền thờ, và không phạm tội gì đối với hoàng đế.”[a]

Nhưng Phê-tu muốn được lòng người Do-thái nên hỏi Phao-lô, “Ngươi có muốn lên Giê-ru-sa-lem để ta xử việc này không?”

10 Phao-lô trả lời, “Tôi muốn được hầu tòa của hoàng đế. Ðó là nơi tôi phải được xét xử, vì quan đã thừa biết rằng tôi không làm điều gì phạm luật của người Do-thái. 11 Nếu tôi đã làm điều gì có tội, hoặc nếu tôi đã làm điều gì đáng chết, tôi quyết không từ chối chịu chết đâu. Nhưng nếu tôi không làm điều gì có tội như những người này đã cáo buộc, không ai có quyền nộp tôi cho họ. Tôi yêu cầu được hoàng đế xét xử.”

12 Phê-tu tham khảo với hội đồng cố vấn của ông, rồi đáp, “Ngươi đã yêu cầu được hoàng đế xét xử, ngươi sẽ được hầu tòa của hoàng đế.”

Phao-lô Bị Ðưa Ra Xử Trước Mặt Vua Ạc-ríp-pa

13 Mấy ngày sau Vua Ạc-ríp-pa[b] và bà Bẹc-nít đến Sê-sa-rê để tỏ lòng hoan nghinh Phê-tu đến nhậm chức. 14 Vì họ ở lại đó nhiều ngày, Phê-tu trình với vua về vụ xét xử Phao-lô. Ông nói, “Có một tù nhân này Phê-lít để lại cho tôi. 15 Khi tôi lên Giê-ru-sa-lem các trưởng tế và các trưởng lão của dân Do-thái đã tố cáo hắn và yêu cầu tôi kết tội hắn. 16 Tôi đã trả lời họ rằng theo luật của người La-mã, tôi không thể giao nộp bị cáo trước khi bị cáo có cơ hội đối chất tận mặt với các nguyên cáo và có dịp biện hộ cho mình về những lời tố cáo. 17 Vì thế tôi đã mời họ đến đây, và tôi đã không chậm trễ, nhưng ngày hôm sau tôi đã ngồi vào tòa và truyền đem bị cáo đến. 18 Tuy nhiên khi các nguyên cáo đứng dậy buộc tội, tôi chẳng thấy họ buộc tội đương sự được một tội ác nào như tôi tưởng. 19 Họ chỉ bất đồng ý kiến với đương sự về những điều thuộc về tín ngưỡng của họ và về một ông Jesus nào đó đã chết rồi mà Phao-lô cứ quả quyết rằng vẫn còn sống. 20 Vì tôi không biết làm sao điều tra những điều này, nên tôi đã hỏi Phao-lô có muốn lên Giê-ru-sa-lem để được xét xử về những lời cáo buộc ấy không, 21 thì Phao-lô đã kháng cáo xin được giữ lại trong tù để chờ ngày được giải lên hoàng đế xét xử. Vì thế tôi đã truyền lịnh cứ giam đương sự trong tù, chờ đến ngày được giải lên hoàng đế.”

22 Vua Ạc-ríp-pa nói với Phê-tu, “Ta cũng muốn đích thân được nghe người ấy.”

Phê-tu đáp, “Ngày mai ngài sẽ nghe đương sự.”

23 Vậy hôm sau Vua Ạc-ríp-pa và bà Bẹc-nít tiến vào công đường một cách trọng thể, tháp tùng có các quan chức chỉ huy quân đội và các lãnh tụ trong thành. Phê-tu truyền lệnh đem Phao-lô đến. 24 Kế đó Phê-tu nói, “Tâu Vua Ạc-ríp-pa và kính thưa tất cả quý vị hiện diện với chúng tôi hôm nay. Người mà quý vị đang thấy đây là người đã bị toàn thể người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem và ở đây yêu cầu tôi xét xử; họ đã kêu gào rằng đương sự không đáng sống nữa. 25 Nhưng tôi đã không tìm thấy đương sự có tội gì đáng chết, nhưng vì đương sự đã kháng cáo lên hoàng đế, nên tôi đã quyết định sẽ giải đương sự đến hoàng đế. 26 Nhưng tôi không có lý do cụ thể gì để tâu với chúa thượng, nên tôi đem đương sự ra trước tất cả quý vị, đặc biệt với ngài, tâu Vua Ạc-ríp-pa, để mong rằng sau khi tra xét, tôi có thể có được vài dữ liệu hầu viết sớ tâu trình. 27 Vì tôi thấy rằng giải nộp một tù nhân mà không nói rõ đương sự bị tố cáo về tội gì thì thật là phi lý.”

Footnotes

  1. Công Vụ Các Sứ đồ 25:8 nt: Sê-sa (tương tự trong cả sách)
  2. Công Vụ Các Sứ đồ 25:13 Vua này là Marcus Julius Agrippa II, con của Herod Agrippa I, người đã được nhắc đến trong Công 12:1-11, 20-23. Ông là cháu cố của Hê-rốt Ðại Ðế.

Phao-lô Khiếu Nại Lên Hoàng Đế La Mã

25 Sau khi nhậm chức được ba ngày, thống đốc Phê-tu rời Sê-sa-rê lên Giê-ru-sa-lem. Các thượng tế và các nhà lãnh đạo Do Thái buộc tội Phao-lô, và xin thống đốc đặc ân cho giải ông về Giê-ru-sa-lem (vì họ định phục kích giết ông dọc đường). Vì thế, Phê-tu đáp: “Phao-lô đang bị giam giữ tại Sê-sa-rê và chính ta cũng sắp về đó. Vậy một vài bậc lãnh đạo trong vòng các ông hãy theo ta xuống đó, nếu đương sự có tội gì thì cứ việc tố cáo!”

Phê-tu lưu lại với họ tám hoặc mười ngày, rồi xuống Sê-sa-rê. Hôm sau thống đốc ra tòa, truyền lệnh giải Phao-lô đến. Phao-lô vừa vào tòa án, những người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem xuống liền vây quanh tố cáo ông nhiều tội nặng nhưng không nêu được bằng chứng.

Phao-lô tự biện hộ: “Tôi chẳng phạm tội gì trái luật Do Thái, hoặc xúc phạm đền thờ, hoặc chống nghịch hoàng đế La Mã bao giờ.”

Nhưng Phê-tu muốn được lòng dân Do Thái, nên hỏi Phao-lô: “Anh có muốn lên Giê-ru-sa-lem cho ta xét xử việc này không?” 10 Phao-lô đáp: “Tôi đang ứng hầu trước tòa án Hoàng Đế là nơi tôi phải được xét xử. Tôi chẳng phạm tội gì với người Do Thái, chính ngài thống đốc thừa biết như thế. 11 Vậy nếu tôi phạm pháp hoặc làm gì đáng bị tử hình thì tôi không xin tha chết đâu! Nhưng nếu họ tố cáo tôi vô bằng cớ thì không ai có quyền nộp tôi cho họ. Tôi khiếu nại lên Hoàng Đế!” 12 Phê-tu thảo luận với các cố vấn rồi đáp: “Anh đã khiếu nại lên Hoàng Đế thì sẽ được ứng hầu Hoàng Đế!”

Phê-tu Và Vua Ạc-ríp-ba

13 Mấy ngày sau vua Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đến Sê-sa-rê chào Phê-tu. 14 Hai người lưu lại đây nhiều ngày; Phê-tu đem vụ Phao-lô trình bày với vua: “Phê-lít có để lại một tù nhân. 15 Khi tôi ở Giê-ru-sa-lem các thượng tế và các trưởng lão Do Thái buộc tội nó và yêu cầu tôi kết án.

16 Tôi đáp rằng theo thông lệ La Mã, không thể nào giải nạp một bị cáo khi chưa có dịp đối chất với nguyên cáo để tự bào chữa. 17 Khi họ họp tại đây, tôi triệu tập phiên tòa ngay hôm sau, không trì hoãn và truyền giải đương sự đến. 18 Các nguyên cáo đứng trước tòa chẳng tố cáo đương sự về tội ác nào như tôi tưởng, 19 nhưng chỉ tranh chấp với đương sự về những vấn đề trong tôn giáo của họ và về một người tên Giê-su đã chết nhưng Phao-lô quả quyết vẫn còn sống. 20 Tôi thật khó hiểu cuộc tranh luận này nên hỏi Phao-lô có muốn lên Giê-ru-sa-lem để hầu tòa về vụ này không. 21 Khi Phao-lô khiếu nại xin trình lên Hoàng Đế phán quyết, thì tôi ra lệnh cứ giam giữ đương sự cho đến ngày giải nạp đương sự lên Hoàng Đế.”

22 Ạc-ríp-ba bảo Phê-tu: “Chính ta cũng muốn nghe người ấy nói!” Phê-tu thưa: “Ngày mai, bệ hạ sẽ nghe!”

23 Hôm sau, Ạc-ríp-ba và bà Bê-rê-nít ngự vào công đường với nghi lễ long trọng cùng các quan cao cấp và các nhà lãnh đạo trong thành phố. Phê-tu ra lệnh điệu Phao-lô đến, 24 rồi ngỏ lời: “Tâu bệ hạ và tất cả quý vị quan khách, Người này đã bị toàn dân Do Thái xin tôi kết án, tại Giê-ru-sa-lem cũng như tại Sê-sa-rê đây. Họ nói rằng đương sự không đáng sống nữa. 25 Tôi thấy đương sự chẳng phạm tội gì đáng xử tử cả, nhưng vì đương sự khiếu nại lên Hoàng Đế La Mã nên tôi quyết định giải đương sự đến Rô-ma. 26 Tuy nhiên, tôi chưa có lý do gì cụ thể để viết sớ tâu trình hoàng đế. Vì thế, tôi cho điệu đương sự đến hầu quý vị, nhất là bệ hạ, tâu vua Ạc-ríp-ba, để nhờ cuộc điều tra này mà tôi có tài liệu viết sớ. 27 Thiết tưởng giải nạp một tù nhân mà không định rõ tội trạng thật là phi lý!”