Add parallel Print Page Options

Thượng Đế phán qua Con Ngài

Xưa kia Thượng Đế dùng các nhà tiên tri phán dạy tổ tiên chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Nhưng trong những ngày cuối cùng nầy Ngài phán cùng chúng ta qua Con Ngài là Con mà Ngài đã chọn để làm chủ tể mọi loài. Ngài cũng đã tạo dựng toàn thế gian qua Con ấy. Con tượng trưng cho vinh hiển của Thượng Đế và là hình ảnh trung thực của bản chất Ngài. Nhờ lời đầy quyền năng Ngài, các vật được kết hiệp lại bền vững. Khi Con tẩy sạch tội lỗi loài người thì trở về ngồi bên phải [a] Thượng Đế, Đấng Cao cả trên thiên đàng. Con được tôn trọng hơn các thiên sứ vì Thượng Đế cho Con một danh trổi hơn danh các thiên sứ.

Vì Thượng Đế chưa hề phán với thiên sứ nào rằng,

“Ngươi là Con ta.
    Ngày nay ta đã sinh ngươi.” (A)

Ngài cũng không bảo với thiên sứ nào,

“Ta sẽ sinh con ra,
    còn ngươi sẽ làm Con ta.” (B)

Còn khi đưa Con đầu lòng vào thế gian thì Ngài phán,

“Các thiên sứ của Thượng Đế phải thờ lạy Con.” [b]

Đây là lời Thượng Đế phán về các thiên sứ:

“Thượng Đế khiến các thiên sứ giống như gió [c].
    Ngài làm cho các tôi tớ Ngài như ngọn lửa.” (C)

Còn về Con Ngài thì Thượng Đế phán:

“Lạy Thượng Đế, ngôi Ngài vững bền đời đời.
    Ngài sẽ lấy sự công chính cai trị nước của Ngài.
Chúa thích điều thiện, ghét điều ác,
    cho nên Thượng Đế đã chọn ngươi
    từ giữa các bạn hữu ngươi;
Ngài ban cho ngươi sự vui mừng
    lớn hơn tất cả các bạn hữu ngươi.” (D)

10 Thượng Đế cũng phán,

“Lạy Chúa, từ ban đầu Ngài dựng nên trái đất
    tay Ngài tạo ra các bầu trời.
11 Chúng sẽ bị tiêu diệt,
    nhưng Ngài sẽ còn đời đời.
Chúng sẽ cũ mòn như áo,
12 Ngài sẽ cuốn chúng lại như cái áo,
    và thay chúng như thay áo.
Nhưng Chúa không thay đổi,
    các năm tháng Ngài không bao giờ chấm dứt.” (E)

13 Thượng Đế cũng chưa bao giờ bảo với thiên sứ nào:

“Hãy ngồi bên phải ta,
    cho đến khi ta đặt kẻ thù con
    dưới quyền cai trị của con. [d](F)

14 Các thiên sứ là thần linh hầu việc Thượng Đế được sai đến để giúp những kẻ sẽ nhận được sự cứu rỗi.

Sự cứu rỗi của chúng ta thật lớn lao

Cho nên chúng ta càng nên thận trọng giữ theo những điều đã được dạy bảo để khỏi bị trôi lạc khỏi chân lý. Sự dạy dỗ Thượng Đế phán qua các thiên sứ đã chứng tỏ là đúng, người nào không vâng theo đều chịu trừng phạt xứng đáng. Vì thế chúng ta cũng sẽ bị trừng phạt nếu chúng ta xem thường sự cứu rỗi lớn lao ấy. Chính Chúa đã cho chúng ta biết sự cứu rỗi nầy và những ai nghe Ngài đều chứng tỏ sự cứu rỗi ấy là chân thật. Thượng Đế cũng đã minh chứng điều đó bằng nhiều dấu kỳ, phép lạ cùng ân tứ qua Thánh Linh theo ý muốn Ngài.

Chúa Cứu Thế trở thành người

Thượng Đế không chọn thiên sứ để quản trị thế giới mới sắp đến mà chúng ta đã nói. Như Thánh Kinh có chỗ viết,

“Tại sao Ngài xem loài người là quan trọng?
Tại sao Ngài lo cho con người?
Ngài làm cho con người hơi thấp hơn các thiên sứ một ít
    đội cho người mão triều vinh hiển và tôn trọng.
Ngài đặt mọi vật dưới quyền quản trị [e] của con người.” (G)

Khi Thượng Đế đã đặt mọi vật dưới quyền quản trị của con người thì không có gì mà con người không quản trị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy con người quản trị mọi loài. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giê-xu là Đấng đã được đặt thấp hơn các thiên sứ một chút trong một thời gian ngắn. Nay Ngài đang đội mão triều vinh hiển và tôn trọng vì Ngài đã chịu khổ và chết. Do ân phúc Thượng Đế, Ngài chết thay cho mọi người.

10 Thượng Đế là Đấng tạo dựng muôn loài và muôn loài được sáng tạo để làm vinh hiển Ngài. Ngài muốn nhiều con cái cùng san sẻ vinh hiển với mình, nên Ngài tạo ra Đấng đưa dắt các con cái đó đến sự cứu rỗi hoàn toàn bằng cách để cho Đấng ấy phải chịu khổ hình.

11 Chúa Giê-xu, Đấng thánh hóa con người, cùng những ai đã được thánh hóa đều thuộc chung một gia đình. Cho nên Ngài không xấu hổ mà gọi họ là anh chị em. 12 Ngài phán,

“Rồi tôi sẽ thuật về Ngài
    cho các anh chị em Ít-ra-en tôi;
Tôi sẽ ca ngợi Ngài
    giữa buổi họp công cộng.” (H)

13 Ngài cũng phán,

“Tôi sẽ tin cậy Thượng Đế.” (I)

và Ngài phán thêm,

“Tôi đang hiện diện đây,
    cùng với các con cái
    mà Thượng Đế đã ban cho tôi.” (J)

14 Vì con cái là người có thân thể nên Chúa Giê-xu đã trở nên giống như con cái. Như thế để nhờ sự chết Ngài, Chúa Giê-xu có thể tiêu diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ 15 và giải thoát những kẻ suốt đời làm tôi mọi vì sợ chết. 16 Hiển nhiên Ngài không làm điều đó cho các thiên sứ mà cho con cháu Áp-ra-ham. 17 Vì thế mà Ngài phải trở nên giống như anh em Ngài trong mọi phương diện để Ngài có thể làm thầy tế lễ tối cao trung tín và nhân ái trong khi phục vụ Thượng Đế, nhờ đó có thể xóa tội con người. 18 Vì chính Ngài đã chịu khổ và bị cám dỗ cho nên có thể giúp người bị cám dỗ.

Chúa Giê-xu cao trọng hơn Mô-se

Cho nên thưa các anh chị em thánh là người được Thượng Đế kêu gọi, hãy nhớ tới Chúa Giê-xu, Đấng được sai đến với chúng ta và làm thầy tế lễ tối cao cho đức tin của chúng ta. Chúa Giê-xu trung tín với Thượng Đế là Đấng chọn Ngài làm thầy tế lễ tối cao như Mô-se trung tín trong gia đình Thượng Đế. Chúa Giê-xu cao trọng hơn Mô-se, cũng như thợ xây nhà cao trọng hơn cái nhà. Bất cứ nhà nào cũng phải có thợ xây, nhưng thợ tạo nên mọi loài là Thượng Đế. Mô-se trung tín trong gia đình Thượng Đế như một tôi tớ. Ông thuật lại lời Thượng Đế sẽ phán trong tương lai. Nhưng Chúa Cứu Thế trung tín như con trung tín trong nhà cha mình. Chúng ta là nhà của Thượng Đế nếu chúng ta giữ lòng can đảm và nắm chắc vào hi vọng lớn lao của chúng ta.

Chúng ta phải tiếp tục theo Chúa

Cho nên như Thánh Linh phán:

“Ngày nay khi nghe tiếng Ngài phán,
thì đừng ương ngạnh như tổ tiên các ngươi xưa kia
    khi họ phản nghịch Thượng Đế
    và thách thức Ngài trong sa mạc.
Nơi đó họ thử ta và thách thức ta
    mặc dù đã thấy những điều ta làm trong bốn mươi năm.
10 Ta nổi giận cùng họ.
Ta bảo, ‘Ý tưởng chúng nó luôn luôn lầm lạc
    chúng không hề hiểu biết đường lối ta.’
11 Ta nổi giận và cam kết rằng,
‘Chúng nó sẽ không bao giờ
    được vào sự an nghỉ [f] ta.’” (K)

12 Cho nên thưa anh chị em, hãy thận trọng đừng ai có lòng độc ác, chẳng tin, quay khỏi Thượng Đế hằng sống. 13 Nhưng hằng ngày hãy khích lệ giục giã nhau trong khi còn gọi là “ngày nay.” [g] Hãy giúp nhau để không ai trong anh chị em cứng lòng vì bị tội lỗi phỉnh gạt. 14 Chúng ta cùng dự phần trong Chúa Cứu Thế nếu chúng ta bền giữ cho đến cuối cùng đức tin mà chúng ta có từ ban đầu. 15 Đây là lời Thánh Kinh dạy:

“Ngày nay khi nghe lời Ngài phán
    thì đừng ương ngạnh như xưa kia
    khi các ngươi chống nghịch Thượng Đế.” (L)

16 Ai nghe tiếng phán Thượng Đế mà chống nghịch Ngài? Đó là những kẻ mà Mô-se dẫn ra khỏi Ai-cập. 17 Ngài nổi giận với ai suốt bốn mươi năm?—Với những kẻ phạm tội đã bỏ xác trong sa mạc. 18 Ngài phán về ai khi Ngài thề rằng họ sẽ không được vào sự an nghỉ Ngài?—Ngài phán về những kẻ chống nghịch. 19 Cho nên chúng ta thấy họ không được phép vào sự an nghỉ của Thượng Đế vì chẳng chịu tin.

Vì hiện nay Thượng Đế đã để lại cho chúng ta lời hứa vào sự an nghỉ Ngài nên chúng ta phải rất thận trọng kẻo có ai không được vào sự an nghỉ ấy. Tin Mừng được giảng ra cho chúng ta cũng như đã giảng ra cho họ. Nhưng lời dạy dỗ họ nghe chẳng ích lợi gì vì họ nghe mà không chịu tiếp nhận bằng đức tin. Còn chúng ta là người đã tin thì được hưởng sự an nghỉ của Thượng Đế như Ngài phán,

“Ta nổi giận và thề,
    Chúng nó không được hưởng sự an nghỉ ta.” (M)

Ngài phán như thế mặc dù công tác của Ngài đã làm xong từ khi sáng tạo thế gian. Trong Thánh Kinh Ngài nói đến ngày thứ bảy trong tuần: “Rồi đến ngày thứ bảy Thượng Đế nghỉ ngơi các công việc Ngài.” [h] Và cũng trong Thánh Kinh Ngài lại phán, “Chúng nó sẽ không được vào sự an nghỉ ta.”

Đành rằng có một số người sẽ vào sự an nghỉ của Thượng Đế nhưng những người đầu tiên đã nghe Tin Mừng ấy không vào được vì không vâng lời. Vì thế, Thượng Đế định cho một ngày khác gọi là “Ngày nay.” Mãi về sau Ngài nói với Đa-vít về ngày ấy và được chép trong cùng khúc Thánh Kinh đã nói trước đó:

“Ngày nay khi các ngươi nghe lời Ngài dạy,
    thì đừng ương ngạnh.” (N)

Chúng ta biết Giô-suê không có dẫn dân chúng vào sự an nghỉ ấy vì về sau Thượng Đế nói về một ngày an nghỉ khác. Do đó ta thấy sự an nghỉ [i] của dân Chúa là việc sắp đến. 10 Ai được vào sự an nghỉ của Thượng Đế cũng sẽ nghỉ ngơi khỏi các công việc mình như Thượng Đế đã nghỉ. 11 Cho nên chúng ta hãy cố gắng vào sự nghỉ ngơi của Thượng Đế để không ai bị loại ra vì bắt chước các gương phản nghịch.

12 Lời Thượng Đế [j] rất sống động, sắc bén hơn gươm hai lưỡi, cắt sâu vào chúng ta, thấu đến hồn, linh, xương, tủy, cân nhắc tư tưởng và cảm nghĩ trong lòng. 13 Không điều gì trên thế gian có thể che giấu khỏi Thượng Đế được. Mọi việc đều sẽ phơi bày rõ ràng trước mặt Ngài, là Đấng mà chúng ta sẽ phải giải thích nếp sống của mình.

Chúa Giê-xu, thầy tế lễ tối cao của chúng ta

14 Vì chúng ta có một thầy tế lễ tối cao rất lớn là Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế, đã về thiên đàng nên chúng ta hãy giữ vững đức tin. 15 Vì thầy tế lễ tối cao của chúng ta có thể thông cảm những yếu kém của chúng ta. Khi còn sống trên đất, Ngài đã bị cám dỗ đủ cách như chúng ta nhưng không phạm tội. 16 Cho nên chúng ta hãy dạn dĩ đến trước ngôi ân phúc của Thượng Đế để nhận được lòng nhân ái và ân phúc hầu giúp chúng ta lúc cần.

Thầy tế lễ tối cao nào cũng được chọn trong vòng dân chúng và được giao phó nhiệm vụ thay mặt dân chúng đến trước Thượng Đế để dâng của lễ và sinh tế chuộc tội. Vì chính thầy tế lễ cũng yếu đuối cho nên có thể khoan dung đối với những người kém hiểu biết hoặc lầm lỡ. Vì chính mình cũng yếu đuối nên thầy tế lễ tối cao phải dâng sinh tế chuộc tội mình và tội dân chúng.

Chức tế lễ tối cao là một vinh dự nhưng không ai tự chọn lấy chức ấy cho mình. Người đó phải được Thượng Đế kêu gọi như A-rôn. Cũng vậy, Chúa Cứu Thế không chọn vinh dự tế lễ tối cao ấy cho mình nhưng Thượng Đế, là Đấng chọn Ngài, phán cùng Ngài,

“Con là Con ta.
    Ngày nay ta sinh Con ra.” (O)

Cũng trong một khúc Thánh Kinh khác Thượng Đế phán,

“Con làm thầy tế lễ đời đời,
    y như Mên-chi-xê-đéc.” (P)

Trong khi sống trên đất, Chúa Giê-xu cầu xin Thượng Đế giúp mình. Ngài cầu nguyện và lớn tiếng kêu khóc cùng Đấng có thể cứu mình khỏi chết; lời cầu nguyện Ngài được nghe vì Ngài tôn kính và vâng phục Thượng Đế. Dù là Con Thượng Đế nhưng Ngài cũng đã học tập vâng phục bằng cách chịu khổ đau. Và vì Ngài đã trở nên toàn thiện cho nên có thể ban sự cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài. 10 Đó là cách Thượng Đế khiến Ngài trở thành thầy tế lễ tối cao, một chức tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc.

Hậu quả của sự thối lui

11 Chúng tôi còn muốn nói thêm nữa về vấn đề nầy nhưng hơi khó giải thích vì anh chị em không chịu hiểu. 12 Đến bây giờ đáng lý ra anh chị em đã làm thầy rồi nhưng anh chị em vẫn còn cần người dạy lại những điểm sơ đẳng về lời của Thượng Đế. Anh chị em vẫn còn phải dùng những điều nhẹ như sữa chứ chưa sẵn sàng dùng thức ăn cứng. 13 Ai còn sống bằng sữa là còn thơ ấu, chưa biết sự dạy dỗ về điều chân chính. 14 Nhưng thức ăn cứng dành cho người trưởng thành. Nhờ luyện tập thường xuyên mà họ phân biệt được thiện và ác.

Cho nên chúng ta hãy học những điều trưởng thành. Đừng đi trở lại những bài vỡ lòng khi chúng ta mới học về Chúa Cứu Thế. Chúng ta không cần học lại về đức tin nơi Thượng Đế hoặc làm thế nào để tránh khỏi những việc đưa đến cái chết. Chúng ta không nên trở về những bài học về lễ báp-têm [k], về sự đặt tay, về sự sống lại của kẻ chết và về sự trừng phạt đời đời. Và nếu Thượng Đế cho phép, chúng ta sẽ bước lên những bài học trưởng thành.

4-6 Có vài người mà chúng ta không thể làm cho họ ăn năn được. Trước kia họ đã ở trong ánh sáng của Thượng Đế, vui hưởng ân phúc thiên đàng và nhận lãnh Thánh Linh. Họ đã nếm lời Thượng Đế ngọt ngào biết bao nhiêu và cũng đã biết quyền phép của cuộc đời tương lai trong Ngài. Nhưng họ quay lưng khỏi Chúa Cứu Thế cho nên không thể nào khiến họ ăn năn hối hận vì họ đã đóng đinh Con Thượng Đế một lần nữa và làm nhục Ngài trước mặt kẻ khác.

Còn có người giống như đất thấm nhuần mưa, sinh ra mùa màng tốt đẹp cho người trồng trọt và nhận ân phúc Thượng Đế. Kẻ khác giống như đất mọc đầy chông gai và cỏ dại, hoàn toàn vô dụng. Đất ấy bị Thượng Đế nguyền rủa và sẽ bị lửa tiêu hủy.

Các anh chị em thân mến, chúng tôi nói với các anh chị em như thế nhưng thật tình chúng tôi mong anh chị em làm nhiều điều tốt hơn nữa là những điều dẫn anh chị em đến sự cứu rỗi. 10 Thượng Đế rất công bằng; Ngài không quên công khó của anh chị em và tình yêu anh chị em tỏ ra với Ngài khi giúp đỡ dân Ngài. Ngài nhớ rằng anh chị em vẫn đang giúp họ. 11 Chúng tôi muốn mỗi người trong anh chị em tiếp tục chịu khó suốt đời để chắc chắn nhận lãnh điều mình trông mong. 12 Chúng tôi không muốn anh chị em biếng nhác. Hãy noi gương những người đã nhận được điều Thượng Đế hứa vì họ có đức tin và lòng nhẫn nhục.

13 Khi lập lời hứa với Áp-ra-ham, vì không có Đấng nào lớn hơn nên Thượng Đế chỉ chính mình mà thề cùng Áp-ra-ham 14 rằng, “Ta chắc chắn sẽ ban phúc cho ngươi và cho ngươi có con cháu đông vô số.” [l] 15 Áp-ra-ham kiên nhẫn chờ đợi điều ấy và nhận được điều Thượng Đế đã hứa.

16 Người ta thường chỉ Đấng lớn hơn mình khi thề thốt. Lời thề cam đoan rằng điều mình nói là thật, để không còn tranh biện nữa. 17 Thượng Đế cũng muốn chứng tỏ rằng lời hứa của Ngài là thật cho những kẻ sẽ nhận. Ngài muốn họ hiểu rõ mục đích bất biến của Ngài nên Ngài thề. 18 Cho nên khi Ngài hứa và thề thì hai điều ấy không thể thay đổi được. Hai điều ấy thúc giục chúng ta đến với sự che chở của Thượng Đế và giúp chúng ta mạnh dạn nắm chắc hi vọng đã cho chúng ta. 19 Chúng ta có hi vọng nầy như cái neo vững chắc cho linh hồn. Hi vọng ấy đi vào phía sau bức màn [m] của Nơi Chí Thánh trên thiên đàng, 20 chỗ Chúa Giê-xu đã đi trước chúng ta. Ngài đã trở thành thầy tế lễ đời đời giống như Mên-chi-xê-đéc.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 1:3 bên phải Chỗ ngồi danh dự và quyền hành.
  2. Hê-bơ-rơ 1:6 “Các thiên sứ … Con.” Câu nầy được chép ở Phục 32:43 trong bản Bảy Mươi (LXX), tức bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hi-lạp, và cũng có ghi trong một bản Hê-bơ-rơ trong số Các Cuộn Sách tìm được ở Biển Chết.
  3. Hê-bơ-rơ 1:7 gió Đây cũng có nghĩa là “thần linh.”
  4. Hê-bơ-rơ 1:13 dưới quyền cai trị của con Nguyên văn, “cho đến khi ta đặt kẻ thù làm bệ chân cho con.”
  5. Hê-bơ-rơ 2:8 quyền quản trị Nguyên văn, “dưới chân.”
  6. Hê-bơ-rơ 3:11 an nghỉ Nơi an nghỉ Thượng Đế hứa ban cho dân sự Ngài.
  7. Hê-bơ-rơ 3:13 ngày nay Từ ngữ nầy lấy ở câu 7. Có nghĩa là phải làm những điều nầy ngay bây giờ.
  8. Hê-bơ-rơ 4:4 Rồi đến … việc Ngài Sáng 2:2.
  9. Hê-bơ-rơ 4:9 sự an nghỉ Nguyên văn, “nghỉ ngày Sa-bát,” có nghĩa là cùng có được sự nghỉ ngơi mà Thượng Đế chỉ định sau khi Ngài tạo lập xong thế giới.
  10. Hê-bơ-rơ 4:12 Lời Thượng Đế Những điều giáo huấn và mệnh lệnh của Thượng Đế.
  11. Hê-bơ-rơ 6:2 lễ báp-têm Từ ngữ nầy có thể có nghĩa là phép báp-têm (trầm mình chốc lát trong nước) của tín hữu Cơ-đốc hoặc có nghĩa là phép tẩy sạch của người Do-thái.
  12. Hê-bơ-rơ 6:14 Ta chắc chắn … vô số Sáng 22:17.
  13. Hê-bơ-rơ 6:19 bức màn Bức màn thiêng liêng được thể hiện qua bức màn thật phân cách nơi thánh bên trong (nơi Thượng Đế hiện diện) và các phần các của Lều Thánh và của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Xem “bức màn” trong Bảng Giải Thích Từ Ngữ.